MẨU CHUYỆN VỀ TƯ TƯỞNG, ĐẠO ĐỨC, PHONG CÁCH
CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH
Bác Hồ về tỉnh
- Bác về Quảng Ninh. Văn phòng hẹn tỉnh bố trí làm việc với Bác vào 8 giờ. Nhưng Bác lại bảo máy bay phải cất cánh vào 7 giờ. Đến nơi, ở tỉnh không ai biết để ra đón. Bác dẫn ông Dưng (Đại tá Phạm Dưng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn không quân 919, Hiệu trưởng Trường Không quân Việt Nam, Phó Tham mưu trưởng Quân chủng không quân) đi dạo một số nơi trong thị trấn Móng Cái. Thì ra Bác rất thông thuộc vùng này. Bác vào chợ dạo một vòng, hỏi han dân về mọi thứ, thế mà không ai nhận ra Bác Hồ. Đúng 8 giờ, Bác mới về cơ quan tỉnh, ông Ngô Thuyền, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh cũng như mọi người đều ngạc nhiên, không biết rằng Bác đã đến từ lâu.
Vào làm việc, Bác hỏi:
- Ở đây, dân làm ăn có khá không ? Vì sao ở dưới này hàng hóa nhiều mà để ứ đọng nhiều đến thế ?
Các cán bộ tỉnh cho biết đó là do đường giao thông không được thông.
Sau buổi làm việc, Bác vui vẻ hỏi:
- Hôm nay các chú có gì chiêu đãi không ? - và quay sang những người cùng đi với Bác, bảo: Bữa nay Quảng Ninh chiêu đãi thứ gì thì mình ăn hết thứ ấy nhé! Đừng lo, vì hàng hóa ở đây nhiều và rẻ hơn ở Hà Nội...
... Bác bảo cho máy bay về trước, và dặn ông Phạm Dưng ở lại, xin tỉnh một chiếc com-măng-ca, sáng hôm sau đưa Bác cháu về đường bộ.
... Xe đi cách Quảng Yên chừng 30 cây số, Bác xuống đi dạo, ghé vào một quán nước chè xanh bên đường, ông Dưng rất lo ngại, còn Bác thì rất tự nhiên, thấy hàng mít chín bên đường, còn hỏi ông có thích ăn thì ... mua. Tới Bắc Giang, Bác lại bảo ghé vào chợ, dạo quanh, hỏi chuyện mọi người... Thế mà cũng chẳng ai nhận ra Bác...
... Về sau, con đường giao thông từ Móng Cái, Quảng Yên qua Bắc Giang về Hà Nội (đúng con đường Bác đi hôm đó) được mở lại. Thì ra lần ấy Bác Hồ đi khảo sát đường sá.
Không có núi sông thì dựa vào người
Lớp học chính trị tại hang Kéo Quảng (Nguyễn Bình) do Bác Hồ trực tiếp phụ trách.
Hồi bấy giờ, Hítle đang ồ ạt tiến công Liên Xô. Quân đội phát xít Đức đã chiếm gần hết Ucraina và chỉ còn cách Thủ đô Mátxcơva khoảng ba mươi kilômét. Nhiều người lo lắng hỏi:
- Phát xít Đức mạnh đến như thế, liệu Liên Xô có thể bị mất không ạ?
Bác nói:
- Việc gì mà phải lo. Liên Xô đã chuẩn bị từ lâu. Đất nước này rộng lắm. Các nhà máy ở thủ đô đều đã rời vào dãy núi Uran cách xa hàng nghìn cây số. Nếu quân đội của Hítle chiếm đóng những vùng gần thủ đô thì Liên Xô sẽ rút về phía Uran và tiếp tục kháng chiến. Đánh giặc phải có căn cứ địa chứ.
Nghe nói đến căn cứ địa, có người hỏi:
- Thưa lão đồng chí, ở miền núi thì lấy núi lấy sông làm căn cứ địa, thế còn ở đồng bằng không có địa thế hiểm trở thì làm thế nào ạ?
Bác cười bảo:
- Có núi thì dựa vào núi, có sông thì dựa vào sông, không có núi, có sông thì dựa vào người dân ở đó.
Rồi Bác kể lại chuyện ông cha ta bao đời đánh giặc, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Nguyên, kẻ địch mạnh đến nỗi hầu hết các nước đều phải chịu thua. Nhưng khi chúng kéo quân vào nước ta, thì cả ba lần đều bị thất bại. Đó là vì triều Trần đã biết lấy dân làm sông, làm núi. Rồi Bác nói tiếp:
- Các chú có biết chữ Hán có chữ “nhân sơn, nhân hải” có nghĩa là “núi người, biển người” không? Ở đâu có dân là ở đó có núi, có sông, có biển. Dân có sức mạnh hơn cả sông núi. Nếu ta biết dựa vào dân thì sẽ thành công.
(Theo Tài liệu Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hải Dương)
Ý kiến bạn đọc