QUY TRÌNH CHĂN NUÔI LỢN TRÊN NỀN ĐỆM LÓT SINH HỌC
Hải Dương là một tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng có diện tích trên 1.600 km2, dân số trên 1,7 triệu người, trong đó đất nông nghiệp sản xuất lúa trên 67.000 ha, năng suất trung bình 120 ta/ha, bình quân lương thực đầu người khoảng 500 kg/người/năm. Lương thực dư dôi là điều kiện để phát triển chăn nuôi, chính vì thế chăn nuôi Hải Dương phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, đàn lợn năm 2013 đạt trên 560.000 con, đàn gia cầm đạt khoảng 10 triệu con, tốc độ tăng bình quân khá, song quy mô chăn nuôi nông hộ, phân tán trong dân cư chiếm tỷ lệ 60% so với tổng đàn gia súc, gia cầm của tỉnh.
QUY TRÌNH
CHĂN NUÔI LỢN TRÊN NỀN ĐỆM LÓT SINH HỌC
1. Xây dựng chuồng trại:
Nguyên tắc xây dựng chuồng trại phải thông thoáng, mát về mùa hè, ấm về mùa đông, cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu sau:
- Diện tích chuồng: tùy thuộc quy mô nuôi, xong phải đảm bảo tối thiểu 1,5 m2 -2 m2/con.
- Chiều cao chuồng tính từ mặt nền chuồng đến đỉnh cao của mái từ 3 m -3,5 m.
- Tường gạch xây bao xung quanh cao 0,8m -1,2m; phía ngoài có hệ
thống bạt kéo từ dưới lên nhằm che chắn khi mưa, che gió lùa mùa đông, khi nắng nóng thì hạ bạt xuống cho thoáng mát (có thể chống nóng bằng trồng cây dây leo phủ toàn bộ mái chuồng hoặc tận dụng hộp xốp làm trần, quạt trong chuồng, giàn phun mưa trên mái …).
2. Xây dựng nền đệm lót:
2.1. Xây dựng nền chuồng.
Nền chuồng được chia làm 2 phần: Phần chứa đệm lót chiếm 2/3 diện tích ô chuồng, có dộ dầy 60 cm; phần lát gạch hoặc láng xi măng chiếm 1/3 diện tích dốc về phía trước thấp xuống khoảng 5cm, nhằm cho nước vào để lợn đẵm mình cho mát.
Nếu nền chuồng đã được xây dựng thì tiến hành cải tạo: dùng máy cắt 2/3
diện tích bê tông và đào sâu hoặc nâng cao 60 cm. Phần còn lại 1/3 diện tích ô chuồng giữ nguyên. (Chú ý đào sâu với điều kiện đáy không được ngấm nước).
Nếu trường hợp đáy nền láng xi măng (lát gạch) thấp dễ bị ngấm nước thì ta phải đục lỗ cách lỗ là 20 cm và tôn nền đất cao 30-50 cm sau đó tạo nền đệm lót nổi cao 60cm.
2.2. Chuẩn bị nguyên vật liệu dùng cho 10 m2 đệm lót gồm:
+ Mùn cưa: 1.300 kg
+ Trấu: 500 kg
(nguyên liệu trấu và mùn cưa phải sạch, không độc hại được phơi nắng khô 1 tuần trước khi làm đệm lót)
+ Ngô nghiền nhỏ (bột): 18kg
+ Men vi sinh: 1kg
2.3. Cách làm đệm lót: theo kỹ thuật hướng dẫn khi tập huấn
3. Chăm sóc nền đệm lót:
Thả lợn vào chuồng hàng ngày khi lợn thải phân ra cần phải cào và đảo phân vùi lấp đều trên nền chuồng, nếu mặt nền đệm lót trong chuồng khô thì cần phun đều nước sạch cho đủ độ ẩm.
Sau 4 tháng bổ sung men gốc 100 gam/10m2 nền đệm lót của nền chuồng. Và khi nền đệm lót lún xuống thì tiến hành bổ xung lớp đệm lót mới, để bảo đảm độ dày như ban đầu là 60 cm.
Chú ý:
Luôn luôn duy trì mật độ nuôi lợn thịt 1,5 m2/con -2 m2/con.
Dùng hệ thống vòi uống nước tự động có máng hứng ở dưới vòi không để nước uống hoặc thức ăn rơi vãi vào nền đệm lót.
Mùa đông sau khi làm nền đệm lót xong có thể thả lợn vào ngay.
Nên thả lợn cùng lứa, trọng lượng tương đối đồng đều nhau.
Đáy nền đệm lót lúc nào cũng phải cao 30 -50 cm so với mức nước cao nhất hàng năm nhằm không cho nước ngấm vào chuồng.
Nền đệm lót luôn giữ độ ẩm vừa phải không khô quá và không ướt quá, hàng ngày đảo phân.
Nền đệm lót có thời gian sử dụng khoảng 2-3 năm sau đó làm lại như ban đầu.
Không dùng mùn cưa lim hoặc cây có dầu, không dùng nước giếng khơi có sắt để ủ men và tưới nền đệm lót.
Che chắn không để nước mưa hắt vào chuồng.
Chống nóng mùa hè: Phun nước trên mái, phun sương trong nền đệm lót duy trì độ ẩm 50-60%, trồng cây, phủ rơm rạ trên mái…
Ý kiến bạn đọc