Tình huống hy hữu xảy ra khi một đại biểu quên bỏ phiếu, sau đó gọi điện xin bổ sung.
Với chức danh Chủ tịch hội đồng bầu cử Quốc gia, 467 đại biểu (91%) đồng ý để bà Ngân nhận nhiệm vụ mới, 10 phiếu không đồng ý, 7 phiếu không hợp lệ. Như vậy, căn cứ vào nội quy, bà Kim Ngân trúng cử Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch hội đồng bầu cử Quốc gia. Tờ trình Nghị quyết bầu hai chức danh trên được 100% đại biểu có mặt bấm nút thông qua.
Bà Kim Ngân tuyên thệ khi nhậm chức. Ảnh: Giang Huy. |
Lễ nhậm chức diễn ra vào khoảng 9h15 với lời tuyên thệ của tân Chủ tịch. Một tay đặt lên cuốn Hiến pháp 2013 màu đỏ, tay còn lại giơ cao hướng lòng bàn tay về hội trường, giọng bà Kim Ngân thoáng xúc động: "Trước cờ đỏ sao vàng thiêng liêng của tổ quốc, trước Quốc hội, trước đồng bào cử tri cả nước, tôi xin tuyên thệ tuyệt đối trung thành với tổ quốc, với nhân dân, với hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Tôi nguyện nỗ lực rèn luyện phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được Đảng, nhà nước và nhân dân giao phó".
Chia sẻ bên hành lang nghị trường, ông Nguyễn Sinh Hùng cho biết ông đặt nhiều kỳ vọng vào người kế cận, tin tưởng tân Chủ tịch Quốc hội sẽ là “hậu sinh khả úy”, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên cương vị mới.
Tân Chủ tịch Quốc hội tặng hoa và cảm ơn người tiền nhiệm. Ảnh: Giang Huy. |
Đánh giá cao lần đầu tiên Quốc hội có nữ Chủ tịch, đại biểu Lê Như Tiến cho rằng điều đó chứng tỏ chủ trương đề cao vai trò người phụ nữ trong lãnh đạo và quản lý đất nước. "Đấy là chủ trương rất đúng và phù hợp với tinh thần bình đẳng giới mà chúng ta vừa thông qua. Chủ trương tăng số đại biểu nữ lên 30% cũng rất tốt và phù hợp với tiến trình hội nhập thế giới, nam nữ binh quyền. Hy vọng ngày càng có nhiều những đại biểu Quốc hội hoặc lãnh đạo các cơ quan đảng, nhà nước là phụ nữ", ông Tiến nói.
Bà Nguyễn Thị Kim Ngân (62 tuổi) quê ở Bến Tre. Với bằng thạc sĩ Kinh tế, bà từng đảm nhiệm vị trí giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bến Tre, Thứ trưởng Tài chính, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương, Thứ trưởng Thương mại, Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội; Phó chủ tịch Quốc hội từ năm 2011. Bà là ủy viên Ban chấp hành Trung ương khóa 9, 10, 11, 12; ủy viên Bộ Chính trị khóa 11, 12; đại biểu Quốc hội khóa 12, 13. Hai lần lấy phiếu tín nhiệm, bà Ngân đều đứng đầu danh sách được "tín nhiệm cao".
đa số, đồng ý, kim ngân, trở thành, chủ tịch, quốc hội, lịch sử, thực hiện, quy định, tuyên thệ
Ý kiến bạn đọc