1

Thống Kê

  • Đang truy cập: 42
  • Hôm nay: 12774
  • Tháng hiện tại: 347727
  • Tổng lượt truy cập: 13359200

KỸ THUẬT PHÒNG VÀ TRỊ BỆNH VIÊM MÀNG PHỔI TRUYỀN NHIỄM Ở LỢN

Đăng lúc: Thứ tư - 03/05/2017 23:57 - Người đăng bài viết: admin
Bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm ở lợn (Pleuropneumoniae) (thường gọi là bệnh viêm phổi dính sườn) được phát hiện và phân biệt với các bệnh viêm phổi khác ở Mỹ từ năm 1975. Ở Việt Nam, bệnh đã có từ lâu nhưng mới được nghiên cứu từ năm 1996 đến nay. Trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh ta, bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm ở lợn thường xuất hiện ở các trang trại, gia trại nuôi lợn theo phương thức công nghiệp, gây thiệt hại đáng kể cho người chăn nuôi. Sau đây, xin giới thiệu một số kiến thức cơ bản về phòng, trị bệnh để bà con áp dụng.
1. Nguyên nhân và đặc điểm của bệnh
Bệnh gây ra do vi khuẩn Actinobacillus pleuropneumoniae, là vi khuẩn gram dương (+). Hiện nay, các nhà khoa học xác định được 12 serotyp, trong đó có serotyp 1 và serotyp 5 thường gặp gây bệnh cho lợn.
- Vi khuẩn có thể tồn tại ở môi trường tự nhiên từ 2-10 ngày. Ánh nắng mặt trời và các thuốc sát trùng đều diệt được vi khuẩn.
- Thời gian ủ bệnh (thời gian tính từ khi con vật nhiễm mầm bệnh đến khi xuất hiện triệu chứng bệnh) rất ngắn, chỉ từ 8-72 giờ.
- Bệnh thường xảy ra khi thời tiết thay đổi từ cuối xuân sang hè và cuối thu sang đông, hoặc khi lợn gặp các yếu tố bất lợi (stress) như: di chuyển, dồn đàn, ngộ độc thức ăn...
- Lợn ở các lứa tuổi đều bị nhiễm vi khuẩn và phát bệnh.
- Lợn có trọng lượng từ 40-100kg bị bệnh nhiều và nặng.
- Lợn bị bệnh mãn tính có thể mang và thải mầm bệnh trong khoảng 4 tháng, là nguồn tàng trữ mầm bệnh trong tự nhiên.
2. Triệu chứng
- Thể quá cấp tính: Thể bệnh này ít gặp. Thường xuất hiện ở giai đoạn đầu của ổ dịch, lợn chết nhanh đột ngột, không xuất hiện triệu chứng bên ngoài.
- Thể cấp tính: Đa số lợn bị bệnh thể cấp tính, có trọng lượng 40-100kg. Lợn bệnh có triệu chứng: sốt cao 41-420c, thở khó, thở thể bụng (bụng phình ra hóp vào liên tục), ho, đi lại chậm chạp, kém ăn. Đặc biệt, một số lợn bệnh chảy máu mũi trước khi chết. Tỷ lệ lợn ốm có thể đến 100% số lợn trong đàn; tỷ lệ chết từ 20% đến 100% nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
- Thể mãn tính: Một số lợn qua được thể bệnh cấp tính, bệnh nhẹ hơn, chuyển sang thể mãn tính, có triệu chứng ho dai dẳng, thở khó, suy nhược, cuối cùng lợn chết do suy hô hấp.
- Bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm ghép với 1 số bệnh khác: Bệnh sẽ rất nặng nếu như lợn nhiễm ghép với các bệnh khác như: bệnh suyễn lợn (Mycoplasma hyopneumonia), tụ huyết trùng (Pasteurella multocida), liên cầu khuẩn (Streptococcus suis)
3. Bệnh tích
- Xuất huyết thường thấy ở phần phổi phía trước và phần phổi sau gần với cơ hoành (cơ ngăn cách phổi với ổ bụng); trong trường hợp bệnh nặng thấy toàn bộ phổi bị phù nề; viêm màng phổi lan rộng, làm cho màng phổi dính vào thành lồng ngực sau vài ngày lợn phát bệnh; màng phổi không có màu đỏ sẫm.
- Các tổ chức viêm dính làm cho máu và kháng sinh ít tới được tổ chức viêm, do vậy nếu phát hiện bệnh muộn, các tổ chức đã bị viêm dính thì việc điều trị sẽ rất khó khăn.
4. Phòng bệnh
Tiêm vacxin PORCILIS APP để phòng bệnh:
Chương trình tiêm phòng:
- Lợn thịt:
+ Lợn con không có kháng thể truyền (lợn mẹ không được tiêm vacxin): tiêm 2 lần vào 6 và 10 tuần tuổi;
+ Lợn con có kháng thể truyền (lợn mẹ được tiêm vacxin theo lịch): tiêm 2 lần vào 10 và 14 tuần tuổi.
- Lợn hậu bị: Tiêm phòng như lợn thịt, sau đó tiêm nhắc lại vào 4-2 tuần trước khi đẻ.
- Lợn nái: Tiêm vào 4-2 tuần trước khi đẻ.
Nếu lợn hậu bị và lợn nái chưa từng được tiêm vacxin PORCILIS APP thì phải tiêm 2 lần: lần đầu là 6 tuần trước khi đẻ, lần hai vào 2 tuần trước khi đẻ.
Liều lượng và cách sử dụng:
- Tiêm 2ml vào bắp thịt sâu phía sau tai.
- Để tránh lợn bị nôn, ngừng cho lợn ăn vài giờ trước khi tiêm phòng.
Chú ý:
- Bảo quản vacxin ở 2-80c, tránh đông đá và tránh ánh sáng.
- Chỉ tiêm phòng cho lợn khỏe mạnh.
- Để vacxin ấm lên đạt nhiệt độ 15-250c trước khi sử dụng.
- Lắc kỹ lọ vacxin trước khi sử dụng.
- Sử dụng hết lọ vacxin sau khi mở nắp.
- Dùng dụng cụ tiêm phòng vô trùng (sát trùng bằng nước sôi, vẩy khô, để nguội rồi mới dùng)
- Thực hiện vệ sinh chuồng trại: khô sạch, thoáng mát mùa hè và kín ấm mùa đông.
5. Điều trị
Sử dụng một trong các loại kháng sinh sau:
- Penicillin (hoặc Ampicillin) với liều 30mg/kg thể trọng. Dùng 4-5 ngày liên tục.
- Tiamulin dạng dung dịch 10%, dùng liều 1ml/10 kg thể trọng. Dùng 4-5 ngày liên tục.
Hoặc dùng phối hợp một trong các loại kháng sinh trên với Sulfathial với liều 30mg/kg thể trọng sẽ cho hiệu quả điều trị cao hơn; cần sử dụng thêm thuốc trợ lực như: vitamin B, C, cafein…
Chú ý:
- Cần phát hiện sớm lợn bệnh, cách ly điều trị kịp thời; khi một ô chuồng có lợn bệnh thì biện pháp phòng nhiễm tốt nhất là điều trị dự phòng cho tất cả lợn trong ô chuồng.
- Nếu lợn bị bệnh viêm màng phổi truyền nhiễm ghép với bệnh khác thì cần mời cán bộ thú y đến khám và tư vấn cách điều trị cụ thể./.
                                                                           Phạm Đức Hội
                                                       Phó Ban Kinh tế - Xã hội HND tỉnh
                                                                   (sưu tầm và biên soạn)


Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè của bạn


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hội Nông dân huyện Gia Lộc
Xem bản: Desktop | Mobile