Theo thông tin của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Hội nghị trực tuyến ngày 04/3/2019 về triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh Dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP), tính từ năm 2017 đến ngày 03/3/2019 đã có hơn 20 quốc gia báo cáo có bệnh DTLCP. Tại Trung Quốc, từ ngày 03/8/2018 đến ngày 03/3/2019 có tổng cộng 110 ổ dịch xuất hiện tại 28 tỉnh.
Tại Việt Nam, từ ngày 01/2-03/3/2019, bệnh DTLCP xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành phố (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Dương); tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.
Tại tỉnh Hải Dương: từ ngày 01/3-02/3/2019, bệnh DTLCP đã được phát hiện tại 03 hộ chăn nuôi lợn tại xã Hiến Thành, huyện Kinh Môn, với tổng số 107 con lợn dương tính với bệnh; đêm 03/3/2019, tại xã Đại Đồng, huyện Tứ Kỳ có 01 hộ chăn nuôi với 47 con lợn dương tính với bệnh. Toàn bộ số lợn dương tính với bệnh tại xã Hiến Thành (Kinh Môn) và xã Đại Đồng (Tứ Kỳ) đã được xử lý tiêu hủy bằng phương pháp chôn theo đúng quy định.
Thực hiện Chỉ thị số 07/CT-UBND ngày 21/02/2019 của UBND tỉnh Hải Dương và Công văn của Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh Hải Dương về việc tập trung triển khai ngăn chặn bệnh DTLCP trên địa bàn tỉnh; nhằm góp phần khống chế dịch bệnh có hiệu quả, Ban Thường vụ Hội Nông dân (HND) huyện Gia Lộc yêu cầu Ban Thường vụ HND các xã, thị trấn tập trung tuyên truyền tới toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn đơn vị mình một số nội dung sau:
- Sự nguy hiểm của bệnh DTLCP
- Bệnh DTLCP là một bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do virus gây ra trên lợn nhà và lợn rừng; tuy không gây bệnh cho người và các loài động vật khác, song rất nguy hiểm vì bệnh lây lan rất nhanh trên loài lợn; bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi và mọi loại lợn, có thể xảy ra quanh năm, tỉ lệ chết cao, lên đến 100%, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế.
- Virus gây bệnh DTLCP có sức đề kháng cao, tồn tại lâu ở ngoài môi trường và trong các sản phẩm của lợn (trong máu, thịt tươi, kể cả thịt đã chế biến như thịt hun khói, thịt muối). Trong máu, chúng tồn tại và giữ nguyên độc lực tới 6 năm nếu được bảo quản lạnh, ở nhiệt độ phòng cũng được 4 - 5 tuần, nếu ở 37 độ C được 22 ngày, ở 56 độ C chúng sống tới 180 phút. Trong phân ẩm nhão virus tồn tại tới 122 ngày, trong nước tiểu 45 ngày. Ở nhiệt độ càng lạnh thì virus DTLCP càng tồn tại lâu.
- Bệnh lây lan trực tiếp từ lợn bệnh sang lợn chưa mắc bệnh; lây từ các sản phẩm lợn mang mầm bệnh hoặc lây gián tiếp qua các vật chủ trung gian mang mầm bệnh (ve, côn trùng, chuột, chim di cư…), lây qua các phương tiện vận chuyển, thức ăn chăn nuôi, dụng cụ chăn nuôi và cả yếu tố con người (người đi vào ổ dịch có thể mang mầm bệnh sang nơi khác).
- Đặc biệt là hiện nay trên thế giới chưa có vacxin phòng bệnh, chưa có thuốc điều trị bệnh nên việc khống chế bệnh DTLCP gặp nhiều khó khăn.
- Các dấu hiệu nhận biết, chẩn đoán phân biệt
2.1. Các dấu hiệu nhận biêt
Sau khi tiếp xúc với mầm bệnh, thời gian ủ bệnh thường từ 3 - 10 ngày. Bệnh phát ra đột ngột. Lợn sốt cao, sốt tới 42 độ C, kéo dài liên tục trong 3- 4 ngày liền. Trong thời gian lợn sốt cao, chúng vẫn linh hoạt đi lại, khiến người chăn nuôi không để ý.
Bệnh DTLCP chủ yếu biểu hiện ở hai thể sau:
- Thể quá cấp: Lợn đột ngột sốt cao 42 độ C, kéo dài 2-3 ngày, tối đa 4 ngày rồi chết.
- Thể cấp tính: Lợn ốm đột ngột, sốt cao 42 độ C, trong khoảng 2-3 ngày đầu lợn vẫn nhanh nhẹn; sau đó lợn bỏ ăn hoàn toàn và bắt đầu ho, khó thở, nhịp thở tăng mạnh. Trên da mềm phần đầu, bụng, bẹn… xuất hiện nhiều nốt xuất huyết và nhanh chóng biến thành màu tím thâm bị hoại tử có dịch rỉ. Mủ bắt đầu chảy ra từ lỗ mũi, từ mắt. Thể trạng lợn xấu đi nhanh chóng. Khoảng 48 giờ trước khi chết, lợn bệnh mệt mỏi, ủ rũ, lờ đờ, nằm bẹp. Nếu buộc phải bật dậy thì cũng rất khó khăn mất đi dáng đứng tự nhiên. Mông sau yếu, chân sau bị bại khiến cho lợn đánh võng khi bị xua đuổi. Trước khi chết xuất hiện tiêu chảy hoặc táo bón. Điều đáng chú ý là lợn cảm thấy rất đau khi đi tiểu tiện và đại tiện, trong phân nhiều khi lẫn máu. Trong suốt quá trình ốm, thân nhiệt tăng và giữ nguyên cho đến lúc gần chết thì hạ xuống dưới mức bình thường. Khi phát hiện ra thân nhiệt dưới 39 độ C thì lợn sẽ chết trong 24 giờ sau đó. Tỷ lệ ốm và chết rất cao, tới 100%.
2.2. Chẩn đoán phân biệt
Bệnh DTLCP có dấu hiệu bệnh gần giống với các bệnh: Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh, Tụ huyết trùng, Phó thương hàn ở các đặc điểm: Lợn sốt, xuất huyết dưới vùng da mềm (chỏm tai, mõm, bụng, bẹn, đùi…). Để chẩn đoán bệnh, cần lấy mẫu bệnh phẩm theo hướng dẫn của cơ quan thú y để xét nghiệm. Trong điều kiện chưa lấy được mẫu, có thể phân biệt bệnh DTLCP với các bệnh xuất huyết khác qua một số đặc điểm sau:
- Bệnh DTLCP lây lan rất nhanh (chỉ trong vài ngày bệnh có thể lây lan toàn đàn), tỷ lệ chết rất cao (có thể tới 100%); các bệnh xuất huyết khác có tốc độ lây bệnh chậm hơn và tỷ lệ chết thấp hơn.
- Lợn sốt rất cao (420 C), sốt cao hơn so với bệnh Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh, Phó thương hàn (bệnh Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh sốt 40-410 c, bệnh Phó thương hàn sốt 39,5-400 c)
- Trong 2-3 ngày đầu mắc bệnh, tuy lợn sốt rất cao song lợn vẫn nhanh nhẹn, ăn uống gần như bình thường; trong khi ở các bệnh: Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh, Phó thương hàn khi lợn sốt sẽ giảm ăn, lợn ủ rũ mệt mỏi. Đối với bệnh Tụ huyết trùng, lợn sốt cao và bỏ ăn đột ngột ngay từ ngày đầu mắc bệnh.
- Đặc điểm xuất huyết ở bệnh DTLCP: Vệt xuất huyết xuất hiện sớm ngay sau khi lợn ốm vài ngày, xuất huyết từng mảng dưới vùng da mềm, sau đó nhanh chóng tím xanh và xuất hiện dịch rỉ (loét) ở các vùng xuất huyết. Đối với bệnh Dịch tả lợn cổ điển, vệt xuất huyết xuất hiện muộn sau khi lợn ốm hàng tuần, điểm xuất huyết ở dạng lấm tấm như kim châm, màu đỏ (không tím xanh); đối với bệnh Tai xanh, xuất huyết từng mảng tím xanh song tại các đám xuất huyết không xuất hiện dịch rỉ (loét); đối với bệnh Tụ huyết trùng, xuất huyết màu đỏ thẫm (không tím xanh); đối với bệnh Phó thương hàn, xuất huyết màu đỏ nhạt chủ yếu xuất hiện ở chỏm tai.
- Một đặc điểm cần lưu ý trong chẩn đoán phân biệt bệnh DTLCP với các bệnh có xuất huyết khác là: Mặc dù cơ sở chăn nuôi đã tiêm phòng đầy đủ các loại vac xin phòng bệnh như: Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh, Tụ huyết trùng, Đóng dấu lợn, Phó thương hàn, song lợn vẫn bị bệnh với các triệu chứng sốt cao, có các vệt xuất huyết dưới da mềm, bệnh lây lan nhanh, tỷ lệ chết cao, thì phải nghĩ ngay đến bệnh DTLCP đã xuất hiện tại cơ sở chăn nuôi của gia đình để kịp thời thông báo cho nhân viên thú y, chính quyền cơ sở và cơ quan thú y nơi gần nhất để khẩn trương xử lý dịch bệnh.
3. Các biện pháp phòng bệnh
3.1. Tại các vùng chưa có dịch
- Tuyên truyền, vận động người dân không mua bán lợn và các sản phẩm từ lợn không có nguồn gốc rõ ràng, chưa qua kiểm dịch thú y.
- Tuyên truyền, vận động người dân và chủ hộ chăn nuôi thông tin kịp thời cho nhân viên thú y xã, chính quyền và cơ quan thú y nơi gần nhất bất kỳ khi nào phát hiện lợn, các sản phẩm của lợn nghi bị bệnh, nghi nhiễm mầm bệnh DTLCP hoặc khi được vận chuyển nhập lậu, nghi nhập lậu để có hướng xử lý kịp thời.
- Tổ chức triển khai Tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, giết mổ lợn, các chợ, điểm buôn bán động vật và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn;
- Hướng dẫn người chăn nuôi thực hiện chăn nuôi an toàn theo một số nội dung chủ yếu như sau:
+ Người trực tiếp chăn nuôi không được đi đến vùng đang lưu hành dịch bệnh; đồng thời hạn chế tối đa việc di chuyển, tiếp xúc với các cơ sở chăn nuôi lợn, chợ buôn bán động vật; không tiếp xúc với sản phẩm thịt lợn chưa rõ nguồn gốc.
+ Tăng cường sát trùng chuồng trại cả bên trong và bên ngoài chuồng trại, lối đi vào trại, nơi cân xe, khu vực xung quanh trạị, khu xử lý heo chết… Sử dụng các thuốc sát trùng như: Iodine, Benzalkonium, B.K.Vet, Virkon.S, vôi bột, nước vôi 20%. Định kỳ sát trùng 1-2 tuần/lần. Lưu ý khi sử dụng thuốc sát trùng cần tuân thủ theo hướng dẫn của nhà sản xuất.
+ Cổng xuất và cổng nhập phải có hố sát trùng và máy phun thuốc sát trùng, mỗi đầu trại phải có khay/hố sát trùng và thay nước, pha thuốc sát trùng vào các hố hàng ngày.
+ Phương tiện ra vào trại như xe tải bắt heo, xe chuyển cám, xe 2 bánh,... cần phải được phun xịt sát trùng thật kỹ trước khi vào, ra trại.
+Tăng cường chăm sóc đàn lợn chu đáo, phòng bệnh đầy đủ bằng vaccine đối với các bệnh như: Dịch tả lợn cổ điển, Tai xanh (PRRS), Lở mồm long móng, Tụ huyết trùng…tăng cường sức đề kháng cho lợn, có thể bổ sung thêm vitamin C, vitamin nhóm B, Beta glucan…
+ Nhập lợn có nguồn gốc rõ ràng từ các vùng không có dịch; phải có khu riêng nuôi cách ly lợn mới nhập, để theo dõi tình trạng sức khỏe, tuân thủ đúng quy trình nhập lợn. Giám sát tình hình sức khỏe toàn đàn lợn hàng ngày để đưa ra giải pháp xử lý kịp thời.
+ Tăng cường các biện pháp diệt côn trùng, chuột trong trại. Không cho các vật nuôi, động vật hoang dã vào trại lợn.
3.1. Tại các vùng dịch, vùng bị dịch uy hiếp, vùng giám sát dịch bệnh
Tại các vùng (khu vực) đã có dịch xảy ra, cần tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch do các cấp chính quyền và cơ quan thú y đề ra. Tập trung tuyên truyền cho nhân dân nắm được và thực hiện một số nội dung sau:
- Không điều trị lợn bệnh, lợn nghi mắc bệnh DTLCP.
- Khoanh vùng ổ dịch:
+ Ổ dịch là trại chăn nuôi lợn hoặc hộ gia đình chăn nuôi lợn hoặc nơi phát hiện có mẫu dương tính với virus DTLCP.
+ Vùng bị dịch uy hiếp: Trong phạm vi 03 km xung quanh ổ dịch (sau đây gọi là vùng bị dịch uy hiếp): Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/ngày trong vòng 1 tuần đầu tiên; 03 lần/tuần trong 2-3 tuần tiếp theo; đồng thời theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định virus DTLCP.
+ Vùng giám sát dịch bệnh: Trong phạm vi 10 km xung quanh ổ dịch, sau đây gọi là vùng giám sát: Thực hiện việc tổng vệ sinh, khử trùng tiêu độc liên tục 01 lần/tuần trong vòng 1 tháng kể từ thời điểm phát hiện bệnh tại hộ, cơ sở chăn nuôi và các khu vực xung quanh liền kề; đồng thời thực hiện việc theo dõi lâm sàng và lấy mẫu xét nghiệm bất kỳ con lợn nào có biểu hiện bị bệnh, nghi bị bệnh để xác định virus DTLCP.
- Xử lý lợn bệnh trong vùng dịch: Thực hiện tiêu hủy lợn và vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường khu vực trại có lợn mắc bệnh và khu vực tiếp giáp xung quanh theo hướng dẫn của cơ quan thú y và chính quyền địa phương.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát việc mua bán, giết mổ, vận chuyển lợn theo quy định; không được buôn bán, vận chuyển lợn ra, vào vùng (khu vực) có ghi nhận lợn bệnh DTLCP.
- Về quản lý chăn nuôi an toàn sinh học, tái đàn sau khi hết dịch
+ Tăng cường chỉ đạo chăn nuôi an toàn sinh học, thực hành chăn nuôi theo quy trình VietGAP.
+ Tổ chức triển khai tháng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc tại các khu vực chăn nuôi, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ lợn và các sản phẩm của lợn bằng vôi bột hoặc hóa chất; hàng ngày thực hiện vệ sinh, khử trùng tiêu độc sau mỗi buổi họp chợ, mỗi ca giết mổ lợn (theo Hướng dẫn chi tiết của Chi cục Thú y – Sở Nông nghiệp & PTNT).
+ Thời điểm tái đàn sau dịch: 60 ngày kể từ khi tiêu hủy con lợn hoặc sản phẩm lợn bị nhiễm bệnh và đã thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, cơ sở từng bước nuôi tái đàn với số lượng khoảng 10% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở. Sau khi tái đàn được 30 ngày, thực hiện việc lấy mẫu xét nghiệm, nếu tất cả các mẫu xét nghiệm đều âm tính với bệnh DTLCP, khi đó mới nuôi tái đàn với số lượng có thể lên đến 100% tổng số lợn có thể nuôi tại cơ sở.
4. Tổ chức các hoạt động khác
- Các cấp Hội Nông dân trong huyện phối hợp chặt chẽ với các cấp chính quyền, cơ quan thú y và các ban ngành đoàn thể trong tổ chức thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
- Phối hợp với các cơ quan thông tin đại chúng, thông qua các Hội nghị, sinh hoạt chi, tổ Hội để tổ chức thông tin, tuyên truyền phổ biến rộng rãi đến 100% cán bộ, hội viên, nông dân trên địa bàn huyện về bệnh DTLCP. Nội dung tuyên truyền cần nêu rõ các biện pháp chủ động ngăn chặn bệnh DTLCP nhưng tránh hiểu lầm và gây hoang mang trong xã hội.
- Tăng cường hướng dẫn người dân thực hiện “5 không” trong phòng, chống dịch bệnh động vật:
+ Không giấu dịch bệnh động vật.
+ Không mua bán động vật và sản phẩm động vật mắc bệnh, nghi nhiễm bệnh, không rõ nguồn gốc, nhập lậu.
+ Không bán chạy động vật mắc bệnh.
+ Không vận chuyển động vật ra khỏi vùng có dịch.
+ Không vứt bừa bãi xác động vật ra ngoài môi trường.
Trên đây là một số nội dung cơ bản trong tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, nông dân thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Ban Thường vụ HND huyện Gia Lộc yêu cầu Ban Thường vụ HND các xã, thị trấn chỉ đạo các chi, tổ hội trên địa bàn đơn vị mình và tích cực phối hợp chặt chẽ với chính quyền cơ sở, cơ quan thú y, các ban, ngành đoàn thể, tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng, chống bệnh DTLCP. Ban Thường vụ HND các xã, thị trấn cần thực hiện chế độ báo cáo nhanh tình hình phát sinh bệnh DTLCP trên địa bàn về Hội Nông dân huyện để tham gia phối hợp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả./.
Ý kiến bạn đọc