THÔNG CÁO BÁO CHÍ KẾT QUẢ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM LẦN THỨ VII, NHIỆM KỲ 2018-2023
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 được tổ chức trọng thể từ ngày 11 tháng 12 đến ngày 13 tháng 12 năm 2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội. Đây là sự kiện chính trị quan trọng của giai cấp nông dân và nhân dân cả nước và cũng là dịp để tuyên truyền nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò, nhiệm vụ của giai cấp nông dân, của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.
I. ĐẠI BIỂU THAM DỰ ĐẠI HỘI
1. Đại biểu Đại hội
Tổng số đại biểu được triệu tập là 999 đại biểu. Tham dự Đại hội có 999 đại biểu, trong đó đại biểu là nam: 702 đại biểu (70,27%); đại biểu là nữ: 297 đại biểu (29,73%); đại biểu là người dân tộc thiểu số: 178 đại biểu (17,82%); đại biểu là tín đồ tôn giáo: 25 đại biểu (2,50%); đại biểu có học hàm giáo sư, phó giáo sư và học vị tiến sỹ, thạc sỹ: 135 đại biểu (13,51%).
Độ tuổi bình quân của các đại biểu: 47,37 tuổi; Đại biểu cao tuổi nhất: 65 tuổi; đại biểu ít tuổi nhất: 22 tuổi.
2. Khách mời dự đại hội
Đại hội vui mừng, phấn khởi được đón đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội. Có 376 đại biểu được mời tham dự là các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Đoàn thể Chính trị - xã hội và các bộ, ban ngành Trung ương; các đồng chí Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam qua các thời kỳ...
Tại phiên khai mạc trọng thể sáng ngày 12/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu quan trọng chỉ đạo Đại hội, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam.
Tham dự và đưa tin Đại hội có gần 80 phóng viên, nhà báo của gần 37 cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và địa phương.
Dưới sự điều hành của Đoàn Chủ tịch, tại Đại hội, các đại biểu đã tập trung thảo luận, cho ý kiến hoàn thiện và thông qua các văn kiện quan trọng: Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI với tiêu đề: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại; Dự thảo Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam (bổ sung, sửa đổi); Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI và bầu Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VII nhiệm kỳ 2018 - 2023.
II. VỀ BÁO CÁO CỦA BAN CHẤP HÀNH KHÓA VI TRÌNH ĐẠI HỘI
Với không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, thể hiện tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao đã có hơn 157 lượt ý kiến của đại biểu tại Đại hội và 80 báo cáo tham luận bằng văn bản, đại diện cho các tỉnh, thành ủy, Hội Nông dân các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành, các nhà khoa học, các doanh nghiệp…Hầu hết các ý kiến đồng tình với Báo cáo của Ban Chấp hành khóa VI trình Đại hội. Các ý kiến phát biểu tại Đại hội đã phân tích làm sáng tỏ, sâu sắc thêm nhiều nội dung quan trọng, cả về tình hình khó khăn, thuận lợi và những kết quả nổi bật của các cấp Hội trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam; góp ý sửa đổi, bổ sung một số nội dung và các chỉ tiêu nhiệm kỳ 2018-2023.
1. Đại hội nhất trí cao về phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp của công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 - 2023.
Đại hội đã biểu quyết 100% thông qua 14 chỉ tiêu thi đua trong nhiệm kỳ 2018-2023.
1- Có 100% cán bộ, hội viên được tuyên truyền, phổ biến, giáo dục chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân Việt Nam. 100% chi Hội có Báo Nông thôn ngày nay và ít nhất 60% hội viên được truy cập Internet.
2- Kết nạp ít nhất 1.200.000 hội viên mới trở lên. Cơ sở Hội khá và vững mạnh đạt trên 85%, không có cơ sở Hội yếu kém.
3- Có 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; phấn đấu ít nhất từ 40% cán bộ chuyên trách Hội Nông dân cấp Trung ương và cấp tỉnh biết sử dụng 01 ngoại ngữ trong giao tiếp và 80% Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã ở các xã, phường, thị trấn biên giới biết sử dụng ngôn ngữ nước láng giềng; 100% Chủ tịch Hội Nông dân cấp xã được đào tạo có trình độ Trung cấp lý luận chính trị, Trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên; 100% cán bộ chi Hội, tổ Hội được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, phương pháp công tác Hội.
4- Có 100% chi Hội xây dựng được Quỹ hoạt động của Hội và phấn đấu mỗi cơ sở Hội ở các địa phương chưa thoát nghèo có Quỹ hoạt động Hội, bình quân một hội viên từ 50.000 đồng trở lên và ở các địa phương đã thoát nghèo có Quỹ hoạt động Hội bình quân một hội viên từ 100.000 đồng trở lên.
5- Hằng năm có từ 60% số hộ nông dân trở lên đăng ký phấn đấu và có từ 50% số hộ đăng ký trở lên đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp.
6- Hằng năm có 100% Hội Nông dân cấp tỉnh và huyện chủ trì, phối hợp tổ chức được cuộc đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nông dân.
7- Có 100% Hội Nông dân các cấp tổ chức được hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, dạy nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.
8- Tăng trưởng Quỹ Hỗ trợ nông dân bình quân 10%/năm trở lên. Có 100% các cấp Hội sử dụng có hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân.
9- Có 85% hội viên Hội Nông dân được thường xuyên tiếp cận kiến thức cần thiết, thông tin, thị trường, khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
10- Có 100% Hội Nông dân cấp xã chủ trì, phối hợp tham gia tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ xây dựng được ít nhất từ 01 tổ hợp tác hoặc 01 hợp tác xã trở lên để liên kết, hợp tác phát triển sản xuất có hiệu quả theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao thu nhập của nông dân và kết nối thị trường thành công.
11- Có 100% cơ sở Hội làm tốt công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và xây dựng được ít nhất 01 mô hình về bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
12- Có 100% hộ hội viên Hội Nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm đăng ký, cam kết đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và có trên 60% hộ đăng ký được công nhận.
13- Có 95% hội viên Hội Nông dân tham gia bảo hiểm y tế và 100% các cấp Hội làm tốt công tác vận động nông dân thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa XII “Về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội”.
14- Có ít nhất 85% hội viên Hội Nông dân được phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hội nhập quốc tế; 100% tỉnh, thành Hội tổ chức được cho cán bộ, hội viên, nông dân đi học tập kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở trong nước hoặc ngoài nước; 100% cơ sở Hội xây dựng và duy trì được ít nhất từ 01 mô hình tự quản về an ninh, trật tự trở lên.
2. Đại hội đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp cho nhiệm kỳ 2018-2023
5 nhiệm vụ và giải pháp nhiệm kỳ 2018-2023 đó là Xây dựng tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam vững mạnh; Vận động nông dân phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và giảm nghèo bền vững; Tham gia xây dựng Đảng, chính quyền vững mạnh và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; Thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh; Tăng cường công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam khẳng định quyết tâm của toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước phát huy truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, sáng tạo, tranh thủ thời cơ, thuận lợi, vượt qua khó khăn, thách thức, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân nhiệm kỳ 2018 -2023, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
III. THÔNG QUA TOÀN VĂN ĐIỀU LỆ HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (sửa đổi, bổ sung)
Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam hiện hành được Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII thông qua ngày 12/12/2018. Điều lệ Hội cơ bản đã điều chỉnh được các vấn đề có tính nguyên tắc trong tổ chức và hoạt động của Hội, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và hoạt động; thúc đẩy công tác Hội và phong trào nông dân cả nước có bước phát triển mới, là cơ sở quan trọng tạo nên sự thống nhất ý chí và hành động trong toàn hệ thống Hội.
Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu tại Đại hội, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi có 8 chương 26 điều. So với Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam hiện hành, Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi có nhiều sửa đổi, bổ sung, trong đó nổi bật là một số điểm mới sau:
- Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi tăng từ 26 điều lên 28 điều.
- Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam sửa đổi mở rộng khái niệm “Hội viên Hội Nông dân Việt Nam”.
- Điều lệ HND Việt Nam sửa đổi cho phép thành lập Ủy ban Kiểm tra của Hội Nông dân 4 cấp, từ cấp Trung ương đến cấp cơ sở. (Sửa đổi cơ bản toàn bộ chương V quy định về công tác kiểm tra với việc thành lập mô hình Ủy ban kiểm tra của Hội gồm 4 điều: 17, 18, 19, 20).
IV. VỀ BÁO CÁO KIỂM ĐIỂM CỦA BAN CHẤP HÀNH KHÓA VI NHIỆM KỲ 2013-2018.
Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khóa VI đã nghiêm túc kiểm điểm trước Đại hội, đã nêu bật được những ưu điểm, kết quả đạt được trong nhiệm kỳ vừa qua.
1. Ưu điểm
Ban Chấp hành khóa VI đã nêu cao tinh thần chủ động, sáng tạo, sự đoàn kết thống nhất, có nhiều đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo các cấp Hội tổ chức thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội VI đề ra; đã tạo sự chuyển biến rõ nét trong công tác Hội và phong trào nông dân. Sinh hoạt Hội được cải tiến, thiết thực, hình thức phong phú, thu hút được đông đảo hội viên, nông dân tham gia; chất lượng các chi, tổ Hội, hội viên được nâng lên. Nội dung, phương thức hoạt động của Hội được đổi mới, gắn công tác tuyên truyền, giáo dục với đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, dạy nghề, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống. Đồng thời, tích cực phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương tổ chức triển khai thực hiện đã tạo được địa vị pháp lý, cơ chế, chính sách và nguồn lực giúp hội viên, nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh.
2. Hạn chế, khuyết điểm
- Lãnh đạo một số nội dung công tác của Ban Chấp hành chưa quyết liệt, dẫn đến một số chủ trương, nghị quyết được ban hành nhưng khi triển khai ở một số địa phương, đơn vị còn chậm, lúng túng, kết quả thực hiện chưa đáp ứng được yêu cầu, kế hoạch đề ra.
- Lãnh đạo công tác xây dựng Hội còn có mặt hạn chế: Một số địa phương công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho hội viên, nông dân đạt kết quả chưa cao; việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, khó khăn, bức xúc của nông dân để kiến nghị với cấp ủy, chính quyền tháo gỡ khó khăn cho nông dân chưa kịp thời.
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61-KL/TW, ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Quyết định số 673/QĐ-TTg, ngày 10/5/2011 của Thủ tưởng Chính phủ còn chưa đạt kết quả chưa đồng đều ở các địa phương.
- Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các phong trào chưa toàn diện, chưa sâu, chưa tạo ra được khâu đột phá, mới tập trung chủ yếu vào phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
- Chỉ đạo công tác hướng dẫn phát triển các hình thức kinh tế tập thể còn lúng túng. Hoạt động dịch vụ, hỗ trợ nông dân ở một số nơi còn yếu, chưa quan tâm xây dựng thương hiệu, quảng bá xúc tiến thương mại, tiêu thụ nông sản hàng hóa cho nông dân.
- Việc tham dự các kỳ họp của một số Ủy viên Ban Chấp hành chưa đầy đủ, việc chấp hành nghiêm túc về giờ giấc hội họp và trách nhiệm thảo luận, đóng góp ý kiến của số ít đồng chí chưa cao.
V. BẦU BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM KHÓA VII VÀ CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2018 - 2023
Đại hội đã quyết định số lượng Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII (nhiệm kỳ 2018-2023) là 119 ủy viên, tại Đại hội đã bầu 119 uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII(nhiệm kỳ 2018 - 2023), có đủ phẩm chất, năng lực và trình độ để đảm đương nhiệm vụ do Đại hội giao phó.
So với Đại hội VI, số lượng Ủy viên Ban Chấp hành giảm 6 đồng chí (Đại hội VI có 125 Ủy viên).
Trong số 119 đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành khóa VII, nhiệm kỳ 2018-2023 cơ quan Trung ương Hội có 35 đồng chí, chiếm 29,4%; Thường trực Hội Nông dân các tỉnh, thành phố là 63 đồng chí, chiếm 52,9%; bộ, ngành, đoàn thể là 5 đồng chí, chiếm 4,2%; doanh nghiệp: 5 đồng chí, chiếm 4,2%; hội viên tiêu biểu là 3 đồng chí, chiếm 2,5%; lãnh đạo Hợp tác xã là 3 đồng chí, chiếm 2,5%; nhà khoa học là 5 đồng chí, chiếm 4,2%. 119 đồng chí được Đại hội bầu trúng cử Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam có cơ cấu hợp lý về giới tính, độ tuổi, thành phần dân tộc đảm bảo các tiêu chuẩn, quy định.
Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII họp ngày 12 tháng 12 năm 2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Hà Nội. Hội nghị đã bầu 21 Ủy viên Ban Thường vụ, bầu Chủ tịch và 05 Phó chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.
* Chủ tịch: Đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VI, tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII (nhiệm kỳ 2018- 2023) với 100% số phiếu bầu.
* Các đồng chí Phó Chủ tịch:
1. Đồng chí Lương Quốc Đoàn (tái cử)
2. Đồng chí Phạm Tiến Nam (tái cử)
3. Đồng chí Đinh Khắc Đính (tái cử)
4. Đồng chí Bùi Thị Thơm (bổ sung)
5. Đồng chí Nguyễn Xuân Định (bổ sung)
Sau 03 ngày làm việc tích cực, khẩn trương, nghiêm túc, với tinh thần trách nhiệm cao, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII đã thành công tốt đẹp.
Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII kêu gọi toàn thể cán bộ, hội viên, nông dân cả nước tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam với tinh thần “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”, ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội VII, góp phần tích cực cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII đề ra./.
BAN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI
Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè của bạn
toàn quốc, nông dân, nhiệm kỳ, tổ chức, trọng thể, trung tâm, hội nghị, quốc gia, thủ đô, hà nội, sự kiện, quan trọng, giai cấp, nhân dân, tuyên truyền, nâng cao, nhận thức, tầng lớp, vị trí, vai trò, nhiệm vụ
Những tin mới hơn
- Gia Lộc: Tổ chức Hội nghị truyền thông trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cho cán bộ, hội viên nông dân (21/03/2019)
- Gia Lộc: Tổ chức Hội nghị tập huấn kỹ năng tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo (12/04/2019)
- Gia Lộc: Hội Nông dân xã Yết Kiêu tổ chức ra mắt mô hình truyền thông lồng ghép giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình (26/04/2019)
- Gia Lộc: Tập huấn truyền thông về nước sạch và vệ sinh môi trường (10/05/2019)
- Dịch tả lợn Châu Phi, dấu hiệu nhận biết và biện pháp phòng bệnh (05/03/2019)
- Gia Lộc: Tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã giai đoạn 2019-2023 và tiếp nhận, giải ngân quỹ hỗ trợ nông dân huyện năm 2019 (18/02/2019)
- Gia Lộc: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2018 và triển khai Lễ phát động, ký giao ước thi đua năm 2019 (21/01/2019)
- Gia Lộc: Hội Nông dân tổ chức trao 255 xuất quà với tổng giá trị 122,5 triệu đồng cho hội viên nông dân có hoàn cảnh khó khăn nhân dịp Tết Nguyên Đán Kỷ Hợi 2019 (28/01/2019)
- Lời chúc mừng năm mới-Xuân Kỷ Hợi-2019 của đồng chí Nguyễn Khắc Toản- Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện uỷ, chủ tịch HĐND huyện Gia Lộc (01/02/2019)
- Hội nghị đối thoại chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế với nông dân (27/12/2018)
Ý kiến bạn đọc