1

Thống Kê

  • Đang truy cập: 28
  • Hôm nay: 6728
  • Tháng hiện tại: 236043
  • Tổng lượt truy cập: 6692345

Hội Nông dân Gia Lộc: Nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Đăng lúc: Thứ năm - 10/09/2020 22:56 - Người đăng bài viết: admin
Hội Nông dân Gia Lộc: Nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hội Nông dân Gia Lộc: Nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Hiện nay, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao có vai trò rất quan trọng, giúp nâng cao lợi ích của các thành phần tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt đối với nông dân, góp phần tăng quy mô sản xuất hàng hóa, áp dụng các quy trình sản xuất hiện đại và nâng cao năng lực quản lý, điều hành, tổ chức sản xuất theo hợp đồng.

              Những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm và truy xuất nguồn gốc trên địa bàn huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương ngày càng được mở rộng về diện tích, sản lượng và chất lượng. Nông nghiệp phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với thị trường, đa dạng sản phẩm; khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh, trong lĩnh vực nông nghiệp. Gia Lộc đã thực hiện tốt quy hoạch và xây dựng vùng hoa, rau quả tập trung, an toàn gắn với sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, nâng cao giá trị và phát triển bền vững. Đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành trong sản xuất nông nghiệp đi đôi với đổi mới phương thức tổ chức sản xuất, đến nay, cơ cấu kinh tế nông nghiệp trồng trọt - chăn nuôi, thủy sản - dịch vụ nông nghiệp là 48,0% - 47,2%- 4,8%. Toàn huyện đã quy hoạch được 28 vùng lúa tập trung với diện tích 682 ha, trong đó trên 50% diện tích cấy có hợp đồng bao tiêu sản phẩm; 88 vùng sản xuất rau an toàn với tổng diện tích 1.298 ha, trong đó có 111 ha sản xuất rau theo quy trình Vietgap. Các vùng lúa chất lượng, vùng chuyên canh rau màu đem lại giá trị cao, năng suất lúa bình quân hằng năm đứng trong tốp đầu của tỉnh. Huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp; tăng cường ứng dụng tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất. Quan tâm thực hiện nhiều cơ chế hỗ trợ các tổ chức cá nhân nhằm khuyến khích tích tụ ruộng đất, phát triển nông nghiệp an toàn, ứng dụng công nghệ cao, hạn chế lãng phí tài nguyên đất. Đã hình thành các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn theo tiêu chuẩn Vietgap, 16 mô hình nhà màng, nhà lưới diện tích 118.018m2. Trong đó, 9 mô hình nhà màng sản xuất rau và 2 mô hình nhà lưới trồng dưa lê, dưa vân lưới chất lượng cao, dưa chuột, tổng diện tích hơn 71.300 m2 , quản lý, sử dụng bước đầu có hiệu quả nhãn hiệu "Rau an toàn Gia Lộc". Huyện có 02 sản phẩm: Cải bắp Tân Minh Đức của HTX Tân Minh Đức xã Phạm Trấn và dưa chuột HD-Green của Công ty cổ phần Nông nghiệp hữu cơ HD-Green thị trấn Gia Lộc được UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) đạt tiêu chuẩn 4 sao năm 2019.

             Góp phần cùng huyện nhà nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện Gia Lộc đã tích, chủ động phối hợp với UBND huyện; phối hợp với các phòng, ban, ngành huyện tham mưu cho Ban Thường vụ Huyện ủy tập trung chỉ đạo nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn huyện; chỉ đạo hợp nhất các hợp tác xã nhỏ quy mô theo thôn và cơ cấu lại tổ chức bộ máy. Hoạt động của các hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp có chuyển biến, cơ bản làm tốt các khâu dịch vụ thủy nông, làm đất bằng máy, cung ứng giống cây trồng. Hình thành tổ liên kết sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp. Hội Nông dân huyện đã chỉ đạo, xây dựng thành công 30 mô hình kinh tế tập thể cấp huyện, 290 mô hình kinh tế tập thể cấp cơ sở. Đặc biệt trong việc thực hiện Đề án số 01 “Quy hoạch và xây dựng vùng rau, hoa, quả tập trung theo hướng an toàn tiến tới  sạch phù hợp với kinh tế nông nghiệp ven đô giai đoạn 2016-2020” của Huyện ủy, Hội Nông dân huyện đã làm tốt công tác quản lý, khai thác nhãn hiệu tập thể "Rau an toàn Gia Lộc". Vận động hội viên, nông dân xây dựng nhà lưới, nhà màng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, tiêu biểu như Xã Đoàn Thượng, quy hoạch 27 ha sản xuất rau an toàn đạt tiêu chuẩn Vietgap. Từ năm 2017 đến nay, Hội Nông dân huyện Gia Lộc đã phối hợp, chỉ đạo và triển khai ký hợp đồng bao tiêu 37 ha súp lơ xanh và súp lơ trắng với Công ty TNHH nông sản Hưng Việt,  Công ty TNHH một thành viên Hòa An tại xã Đoàn Thượng và xã Lê Lợi; Phối hợp với Viện cây Lương thực và Cây thực phẩm, Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình sản xuất dưa chuột Nếp 1; sản xuất giống cà chua T15 tại xã Hoàng Diệu, Nhật Tân, Thống Kênh, Đồng Quang, Phạm Trấn với tổng diện tích trên 40ha cho hiệu quả kinh tế cao và góp phần xây dựng thương hiệu Rau an toàn Gia Lộc. Tổ chức 5 cuộc hội thảo chuyên đề về xây dựng mô hình tổ hợp tác với 168 đại biểu tham gia; chỉ đạo thành lập mới và ra mắt 08 tổ hợp tác tại các xã Phạm Trấn, Đồng Quang, Thống Kênh, Toàn Thắng, Yết Kiêu, Gia Khánh, Gia Lương, Yết Kiêu. Một số mô hình tiêu biểu như mô hình sản xuất dưa chuột nếp, diện tích 25ha tại Thống Kênh, Hoàng Diệu, Đồng Quang; Mô hình tổ hợp tác chuyên sản xuất, tiêu thụ cây rau màu có giá trị kinh tế cao tại xã Hoàng Diệu với 35 hộ tham gia, hỗ trợ xã Hoàng Diệu cung ứng trên 35 tấn phân bón chậm trả, chuyển giao KHKT 02 buổi, tổ chức 01 buổi đối thoại giữa doanh nghiệp và các hộ dân sản xuất rau, củ.
          Song song với xây dựng các mô hình, dự án, Hội Nông dân huyện tăng cường hỗ trợ nguồn lực giúp các mô hình, dự án nâng cao hiệu quả liên kết chuỗi trong sản xuất và đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Hội Nông dân huyện đã tiếp nhận và giải ngân Quỹ hỗ trợ nông dân các cấp trên 7 tỷ đồng, cho 303 hộ nông dân vay; phối hợp Ngân hàng chính sách xã hội huyện tổ chức giải ngân trên 80 tỷ đồng cho 1.970 hộ nông dân vay vốn thông qua 82 tổ Tiết kiệm và Vay vốn; phối hợp với Ngân hàng NN&PTNT huyện triển khai giải ngân tại 5 tổ chức cơ sở Hội tạo vốn vay cho hội viên nông dân phát triển sản xuất với tổng dư nợ là 46,92 tỷ đồng thông qua 14 tổ vay vốn với 434 hộ vay; hỗ trợ 57 hộ nông dân tham gia Dự án đầu tư cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh mua 57 máy nông nghiệp các loại như máy làm đất, máy gặt đập liên hợp, ô tô tả... với tổng số tiền vay trên 10,9 tỷ đồng, số tiền hỗ trợ lãi suất cho nông dân gần 2,2 tỷ đồng nông dân; phối hợp với Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân thuộc Hội Nông dân tỉnh, Phòng Lao động- Thương binh- Xã hội huyện; Ban quản lý dự án các khu công nghiệp; Trung tâm khuyến nông tỉnh; Liên đoàn lao động tỉnh tổ chức 66 lớp tập huấn, lớp dạy nghề tại chỗ cho 3.315 học viên. Tổ chức 15 đoàn công tác với 600 cán bộ Hội, hội viên nông dân tiêu biểu thăm mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và làm việc tại Viện Cây Lương thực và Cây thực phẩm.  Các hộ được tiếp cận các nguồn vốn, tham gia các lớp học nghề, tập huấn chủ yếu trong diện triển khai các mô hình, dự án của huyện.
          Việc đẩy mạnh liên kết trong sản xuất nông nghiệp đã tạo ra những chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, góp phần nâng cao ý thức, vai trò, trách nhiệm của người sản xuất, kinh doanh; đảm bảo cho điều tiết cung cầu thị trường và truy xuất nguồn gốc sản phẩm thực phẩm.
          Trên địa bàn huyện, một số sản phẩm có liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản đã được hỗ trợ về giống, kỹ thuật cũng như được đầu tư cho quy trình sản xuất, chế biến giúp xây dựng thương hiệu chuẩn. Ông Đoàn Văn Thắng – Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lộc cho biết: Thời gian qua, huyện đã hỗ trợ về bao bì, tem điện tử, quảng bá và truy xuất nguồn gốc cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia chuỗi. Chuỗi liên kết cung ứng thực phẩm an toàn gắn với truy xuất nguồn gốc sẽ tạo ra sự khác biệt của nông sản an toàn đối với các sản phẩm thông thường khác. Người tiêu dùng dễ nhận biết và lựa chọn các sản phẩm mong muốn thông qua lô gô nhận diện sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc điện tử. Nếu thiếu liên kết sản xuất, sản phẩm nông nghiệp dễ gặp rủi ro do thời tiết, sâu bệnh cùng với đó là việc không chủ động được về đầu ra cho sản phẩm của nông dân. 
          Tuy nhiên, việc liên kết sản xuất trên địa bàn huyện còn một số hạn chế nhất định. Sản xuất nông nghiệp hiện nay chủ yếu vẫn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, các hộ sản xuất chưa chú ý tới việc liên kết nhóm hộ mà vẫn sản xuất tự phát nên chưa tạo được nhiều vùng sản xuất tập trung, lượng sản phẩm đủ lớn, ổn định. Mặt khác, đặc thù của sản phẩm nông nghiệp mang tính thời vụ và có độ đồng đều không cao; tình trạng tiêu thụ nông sản qua nhiều khâu trung gian gây khó khăn cho việc nhận diện sản phẩm tham gia chuỗi và giá bán thực tế bị đội lên cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Ngoài ra, một khó khăn nữa trong hình thành chuỗi là khâu tiêu thụ sản phẩm, các doanh nghiệp cung ứng, phân phối nông sản chưa phủ rộng được thị trường nội địa và hạn chế trong xuất khẩu. Các sản phẩm an toàn, có nguồn gốc xuất xứ vẫn bị cạnh tranh thiếu lành mạnh về giá bán với các sản phẩm không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc. Do vậy, sản lượng tiêu thụ còn thấp, chưa tác động mạnh tới người sản xuất để mở rộng và nhân rộng các mô hình liên kết theo chuỗi. Một số loại nông sản đã có chỉ dẫn địa lý, thương hiệu, nhãn hiệu trên thị trường nhưng mới dừng lại ở việc sơ chế và tiêu thụ, chưa có chế biến sâu và đa dạng hóa sản phẩm thương mại.
          Để góp phần giúp chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp bền vững, cần phát triển công nghiệp chế biến nông sản gắn với phát triển vùng nguyên liệu tập trung và tiêu thụ sản phẩm trên cơ sở cơ cấu lại vật nuôi, cây trồng. Cùng với đó, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ tiên tiến tổ chức sản xuất theo hướng hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị khép kín, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến. Đẩy mạnh phát triển kinh tế trang trại, nâng cao quy mô kinh tế hộ, thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể, đa dạng hóa các hình thức liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gắn với bảo vệ môi trường.

 
          
 
  Ảnh 1: Hội Nông dân huyện phối hợp với UBND huyện Gia Lộc tổ chức Hội nghị chuyên đề đánh giá kết quả thực hiện nhãn hiệu tập thể “Rau an toàn Gia Lộc”  gắn với liên kết, bao tiêu sản phẩm.
 
 

         

   Ảnh 2: Hội Nông dân huyện phối hợp với các công ty, hợp tác xã, các chủ cơ sở nhà màng, nhà lưới trên địa bàn huyện Gia Lộc tham gia Hội chợ triển lãm, giao dịch kinh tế và thương mại tại Trung tâm Xúc tiến thương mại Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) tại Hà Nội.
 
            
Ảnh 3: Hội Nông dân huyện Gia Lộc tổ chức Hội nghị ký kết chương trình phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp, hợp tác xã và tiếp nhận Qũy hỗ trợ nông dân huyện dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh và lãnh đạo Huyện ủy. 
 Ảnh 4: Nhà màng của hộ nông dân Nguyễn Bá Nam xã Toàn Thắng được tiếp cận Qũy hỗ trợ nông dân huyện
 
          

  Ảnh 5: Hội Nông dân huyện Gia Lộc chỉ đạo Hội Nông dân xã Lê Lợi tổ chức Hội nghị ra mắt Tổ hợp tác sản xuất, tiêu thụ rau an toàn và ký kết hợp đồng tiêu thụ 5 ha sup lơ xanh với Công ty TNHH nông sản Hưng Việt dưới sự chứng kiến của các lãnh đạo Hội Nông dân tỉnh, UBND huyện, Hội Nông dân huyện và lãnh đạo xã. 
 
          Viết tin và ảnh: Nguyễn Văn Trung  - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lôc tỉnh Hải Dương

Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè của bạn


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hội Nông dân huyện Gia Lộc
Xem bản: Desktop | Mobile