Tương truyền đền Quát được xây dựng khá sớm nhưng phải đến thế kỷ XVII- XVIII mới được tôn tạo khang trang, tu sửa nhiều lần dưới thời Nguyễn. Khuôn viên của đền rộng 2700m2, đền hướng Tây nhìn ra sông Đinh Đào, một khúc sông Đò Đáy. Di tích được chia hai khu vực: Đền chính và bãi bơi. Bãi bơi rộng tới 2000m2 chạy dọc theo bờ sông, tại đây có 2 đôi voi đá, ngựa đá và 2 bệ ngự đặt kiệu Yết Kiêu và phu nhân. Đền chính kiến trúc hình chữ đinh (J) tiền tế 5 gian và hậu cung 3 gian. Giữa đền và bãi bơi có một hồ nước nhỏ rộng gần 300m2. Đây là nơi tập kết trong những ngày lễ hội truyền thống. Từ xa xưa dân làng Hạ Bì làm ăn trên sông nước không có đất phơi chài lưới, muốn có phải thuê hoặc nộp thuế. Từ khi Yết Kiêu lập công lớn được triều đinh ban ân tứ cho được tâu nguyện vọng. Ông đã xin triều đình dù dân Hạ Bì buông chài, rải lưới ở đâu cũng được ba thước đất (24 x 3 = 75m2) để cắm thuyền phơi lưới mà không mất thuế. Triều đình chấp nhận, lệ đó tồn tại tới thời Nguyễn.
Toàn cảnh Đền Quát- Nơi thờ Danh tướng Yết Kiêu
Lễ hội Đền Quát: Dân làng Hạ Bì theo nghề chài lưới đi làm khắp nơi và hình thành 9 “hà chài” gồm: Thượng Đạt, Kênh Tre, Kênh Chõ, Khuông Phụ, Lạc Thượng, Đáy Gồm, Đáy Yên, Vĩnh Hà và Kênh Trung. Hàng năm dân hà chài chỉ trở về quê trong dịp lễ hội truyền thống mùa xuân từ ngày 10- 20 tháng giêng. Sau thời kỳ thực hiện “cải lương hương chính” những năm 20 của thế kỷ trước, lễ hội rút gọn lại từ ngày 14 đến 20 tháng giêng. Từ năm 1976 đến nay lễ hội chuyển sang mùa thu vào 2 ngày 14- 15/8 âm lịch để hưởng ứng lễ hội truyền thống Kiếp Bạc (Chí Linh) tưởng niệm Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Lễ hội đền Quát chứa đựng nhiều giá trị văn hoá cao đẹp tinh thần thượng võ của dân tộc. Trong những ngày hội, có tới hàng ngàn người từ các tỉnh, thành phụ cận về tham quan, tưởng niệm. Đây là một trong những lễ hội tiêu biểu của tỉnh Hải Dương xưa và nay.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, Lễ hội đền Quát diễn ra vào mùa xuân. Để chuẩn bị tổ chức, ngày sau khi lễ hội năm trước vừa kết thúc, Hội đồng hương chính đã lo cắt cử 12 quan viên của các giáp, mỗi người được cấy từ 4-6 sào ruộng công và nuôi một “Ông lợn” từ 60kg trở lên. Lợn phải được chăm sóc chu đáo từ việc ăn uống, tắm rửa đến chuồng trại sạch sẽ, không được để lợn ốm đau hoặc chết mà nuôi lớn để dùng tế thánh. Tiếp đến sau tết Nguyên Đán, Hội đồng hương chính làng Hạ Bì chủ động bàn bạc với các hà chài về việc mở hội. Với tư cách là người anh cả, mọi người dân Hạ Bì nêu cao tinh thần trách nhiệm chuẩn bị mọi cơ sở vật chất để đón tiếp dân hà chài về quê dự hội. Ban tổ chức phân công người tân trang lại đồ thờ, đồ tế rước và các thuyền chải, lập danh sách đội tế và phù giá, bố trí quét dọn vệ sinh trong nhà, ngoài ngõ.
Theo lệ làng, từ ngày 9 tháng giêng tổ chức “Lễ mộc dục”. Lễ được tiến hành vào buổi tối do Ban khánh tiết nhà đền tổ chức trước sự chứng kiến của các chức sắc trong làng. Mục đích của lễ này nhằm vệ sinh sạch sẽ thần tượng và đồ thời để tổ chức lễ hội, mỗi năm được tiến hành 01 lần bằng nước ngũ vị hương. Đây là hoạt động mang tính tâm linh đặc biệt mở đầu cho lễ hội.
Lễ vật dâng thánh được dân làng chế biến các sản phẩm nông nghiệp địa phương gồm hai loại “lễ chay” và “lễ mặn”. Lễ chay gồm 06 chiếc oản lớn chế biến từ 4,5kg gạo nếp, 06 đĩa chè kho với chất liệu đỗ xanh, đường phèn, vừng và thảo quả, rượu trắng 01 chai được trưng cất từ gạo nếp, chuối tiêu 01 nải lớn có quả nẩy đều, 01 đĩa trầu cau tươi. Lễ vật trên được dùng trong ngày khai hội (10 tháng giêng).
Ngày 11 tháng Giêng, theo quy định của làng: 12 giáp phải làm lễ mặn, mỗi giáp mổ 01 con lợn, 01 mâm xôi trắng, 01 chai rượu và 01 đĩa trầu cau. Lễ cúng xong được chia cho các vị chức dịch theo thứ bậc, số còn lại cả dân làng cùng vui thụ lộc. Sau thời kỳ “cải lương hương chính”, dân làng thay cỗ lợn bằng cỗ xôi gà, hoa quả. Tiếp theo từ 12- 14 tháng Giêng, các vị có phẩm hàm lần lượt làm “cỗ trực nhật”, có 06 người 01 mâm, thường thì cỗ sau to hơn cỗ trước, lệ này kéo dài đến hết hội. Ngoài ra nhiều gia đình cũng tự sắm lễ dâng thánh theo cách tuỳ tâm riêng của mình, trong thế giới tâm linh họ coi như làm lễ cúng gia tiên của gia tộc. Do đó không khí lễ hội luôn tấp nập, người ra kẻ vào thành kính, hương khói nghi ngút.
Vào những năm “phong đăng hoà cốc”, dân làng có lệ thi làm “cỗ hộp” để dâng thánh. Đây là loại cỗ đặc biệt của đền Quát thể hiện sự tài, khéo của người Hạ Bì. Cỗ được làm từ những vật phẩm gì đều do những người đăng cai quy định, thông lệ gồm có: bánh dày 12 cái, chè kho 12 đĩa (yêu cầu đơm ra đĩa Thạch Trúc), bánh chưng 03 cặp, gà trống 01 con nặng từ 02kg trở lên, mía 10 tấm dóc sẵn, chuối tiêu 01 nải to, cá chép 01 con từ 01- 1,5kg, rượu trắng 01 chai và 01 cơi trầu cau tươi. Yêu cầu chất lượng của các vật phẩm phải thơm ngon, sạch sẽ, hình dáng đẹp, gia vị đầy đủ.
Đặc biệt là gà lễ phải chọn gà trống to, lông mượt có mào cờ, khi luộc vừa tới không được nứt nẻ, sau đó dùng mỡ gà rán xoa đều lên thân để tạo mầu vàng óng. Sau đó đặt gà lên mâm xôi ở tư thế quỳ, hai cánh xoè ra hai bên, đầu hướng về phía trước, miệng ngậm bông hoa hồng nhỏ, lòng mề được cuộn lại cho vào bụng, hai chân để liền bên cạnh, khi sắp lễ xong trông phải đẹp mắt. Sau cùng, những thành viên tham gia đăng cai làm cỗ cử người đại diện làm trưởng nhóm tham gia Ban chấm giải. Căn cứ vào các tiêu chí đặt ra, Ban chấm giải bình xét từng mâm cụ thể. Kết quả gồm các giải: Nhất, Nhì, Ba. Giá trị của giải không cao song được mang ý nghĩa lớn: bảo lưu và trao truyền những kỹ năng chế biến thực phẩm cho các thế hệ người dân Hạ Bì, đồng thời tạo nên một sinh hoạt văn hoá truyền thống tốt đẹp của địa phương.
Để tri ân công đức của danh tướng Yết Kiêu, người dân Hạ Bì tổ chức lễ tưởng niệm dưới nhiều hình thức khác nhau, trong đó trọng tâm là lễ rước thuỷ và rước bộ. Lễ rước thuỷ được tiến hành trang trọng. Từ sáng sớm ngày 14 tháng Giêng, các hà chài đã bố trí một chiếc thuyền lớn, trang trí lộng lẫy, sắp xếp hoa lễ, cờ biển và một choé để đựng nước. Ban khánh tiết chọn cử 01 người cao tuổi, đức độ thay mặt dân làng và các hà chài xuống thuyền ra giữa dòng sông lấy nước sạch vào để làm nước dâng cúng thánh suốt trong thời gian lễ hội. Kế tiếp là lễ rước bộ vào ngày 15 tháng Giêng. Ban khánh tiết họp bàn và phân công người sắp xếp nghi trượng gồm: cờ thần, bát bửu, trống chiêng, tàn lọng, đội bát âm, kiệu long đình, cỗ chay, cỗ mặn, hoa quả, kiệu thánh Yết Kiêu, kiệu công chúa Nguyễn Triều, đội tế, đội giai bơi từ các hà, các quan viên chức dịch, hội tư văn, những người cao tuổi theo thứ bậc từ 50 trở lên. Nam giới Hạ Bì và các hà chài đủ tuổi đinh và khách mời các hà cùng tham gia lễ rước. Theo qui định lực lượng tham gia rước phải trẻ khoẻ, mặc áo nậu đỏ viền vàng, chân bó xà cạp đi giày vải. Riêng ông “Chấp hiệu” được mặc áo lương, đội khăn xếp, tay cầm trống khẩu để điều hành đoàn rước. Mọi người có trách nhiệm thực hiện sinh hoạt chay tịnh trước một tuần, có tang trở không được rước. Ai vi phạm thì làng bắt khoán, phạt không tham gia hội sau.
Để lễ rước đạt kết quả cao, Ban khánh tiết chỉ đạo việc rước kiệu phải tập luyện trước nửa tháng. Sau khi các thao tác thuần thục rồi mới tổ chức lễ rước chính thức. Đoàn rước khởi hành từ 6 giờ theo “đường nghinh thần” từ đền đi theo hướng bắc sang hướng đông, rẽ tiếp hướng nam rồi trở về đình khoảng 9 giờ sáng. Trên đường đi có tục “kiệu bay” khi kiệu phải qua những nơi thiếu sạch sẽ, thì dân làng đốt pháo nổ rầm rộ để đẩy bạt uế khí tránh xông lên kiệu thánh. Trong hoàn cảnh đó, đoàn rước có thể lùi lại không nhất thiết phải chấp hành lệnh “chấp hiệu”. Cuối cùng đoàn rước về tới đình và đặt kiệu thánh ngự lại một đêm. Tại đây dân làng tổ chức đại tế cho các giáp và hà chài, cầu cho mọi gia đình “an khang thịnh vượng”, cuộc sống trên sông nước gặp nhiều may mắn. Ngày hôm sau dân làng tiếp tục rước kiệu thánh về đền làm lễ và chuẩn bị cho Hội thi bơi chải.
Ngày bơi chải, nhân dân thập phương kéo về càng đông vui, nhộn nhịp, màu cờ sắc áo thêm phần rực rỡ, trong đình ngoài đền rộn rã tiếng chào hát, nhiều trò vui sôi động cả vùng như: đi cầu thùm, đấu vật, cờ bỏi, chọi gà, tam cúc điếm… thu hút đông đảo nam nữ phụ lão ấu tham dự.
Từ ngày 16- 18 tháng Giêng là thời gian tổ chức thi bơi chải. Đây là hoạt động độc đáo và hấp dẫn nhất của lễ hội Đền Quát. Tương truyền, tục thi bơi chải có từ khi xây dựng đền, gắn liền với việc tôn vinh danh tướng Yết Kiêu và nghề nghiệp của người dân Hạ Bì. Ngay từ những ngày trước hội, thuyền của các hà chài về đỗ san sát trên sông, thuyền to đỗ sát bờ, thuyền nhỏ đưa vào lạch Xanh, lạch Đỏ hai đầu phía bắc và phía Nam của đền chính. Ngày 20 tháng giêng giã hội, các hà chài tạm biệt cố hương, trở về các con sông quen thuộc quăng chài, thả lưới theo cuộc sống thường nhật, hẹn mùa xuân năm sau lại về.
Ngày 10 tháng 10 năm 1976 cuộc họp liên tịch các cấp uỷ, chính quyền xã Yết Kiêu, phòng Văn hoá huyện Gia Lộc và Ty Văn hoá Hải Hưng đã quyết định; hàng năm mở hội theo Đền Kiếp Bạc và ngày 18- 20/8 (âm lịch). Theo qui định của nhà nước cứ 5 năm một lần tổ chức lễ hội lớn để thiết thực giáo dục truyền thống cho cán bộ và nhân dân địa phương. Tuy nhiên từ năm 1995 đến nay hội Đền Quát được mở vào các ngày từ 14- 16/8 âm lịch hàng năm.
Tại Đền Quát“Tuần rằm, mùng một chủ yếu là người trong làng và trong huyện về thắp hương, cúng tế. Còn dịp đầu xuân và hội tháng tám là khách khắp các tỉnh vùng đồng bằng Bắc Bộ tìm về với di tích bằng cả hai đường thủy, bộ. Ngày ít vài trăm người, ngày đông lên đến vài nghìn lượt người. Còn về khách du lịch mỗi năm chỉ vài chục đoàn”.
Theo Ban tổ chức của huyện Gia Lộc: Chương trình Lễ khánh thành Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Quát và Lễ hội truyền thống kỷ niệm 775 năm ngày sinh Danh tướng Yết Kiêu(1242-2017) ,tiến hành bắt đầu từ ngày mùng 1/10/2017, tức ngày 12/8 năm Đinh Dậu vào chủ nhật, Ban Quản lý Di tích Đền Quát làm Lễ mở cửa Đền; Lễ cáo yết; Lễ mộc dục; Sáng mùng 3/10/2017, tức ngày 14/8 năm Đinh Dậu, Tại di tích Đền Quát, UBND huyện Gia Lộc tổ chức Lễ khánh thành Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Quát và Lễ hội truyền thống kỷ niệm 775 năm ngày sinh Danh tướng Yết Kiêu; Sau nghi thức là giải bơi thuyền chải của huyện trên sông Đĩnh Đào, trước cửa Đền nằm trong chương trình Đại hội TDTT của huyện lần thứ 8; Biểu diễn hát Văn, hát Quan họ và các trò chơi dân gian, truyền thống, các chương trình văn nghệ, múa rối nước tại khu vực di tích Đền Quát.
Trong các ngày diễn ra Lễ hội Đền Quát năm 2017, các quý đại biểu, du khách thập phương và nhân dân sẽ được tham quan cảnh vật, làm lễ, phát tâm công đức, dâng hương, dâng hoa lên Danh tướng Yết Kiêu, tham quan, chiêm bái khu vực Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Quát mới được trùng tu, tôn tạo, nâng cấp và thưởng thức các chương trình văn nghệ, trò chơi dân gian và nhiều chương trình hấp dẫn khác chắc chắn sẽ để lại nhiều kỷ niệm tốt đẹp trong đời sống văn hóa tâm linh của mỗi chúng ta./.
Hội Nông dân huyện sưu tầm của tác giả Vũ Minh Giáo (bài được đăng trên Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc)
Ý kiến bạn đọc