I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Giải thích từ ngữ
a) Chủ đầu tư: Là Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh, cấp huyện hoặc các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước, ủy thác nguồn vốn cho Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác theo các chương trình, dự án hoặc theo chỉ định, trên cơ sở các điều kiện thống nhất với NHCSXH, phù hợp với quy định của pháp luật.
b) Chỉ tiêu kế hoạch tín dụng: Bao gồm chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn và chỉ tiêu kế hoạch dư nợ.
c) Chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn Trung ương: Là chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đối với các chương trình, dự án được Tổng Giám đốc giao hoặc thông báo, bao gồm: Các chương trình, dự án được Thủ tướng Chính phủ giao và các chương trình, dự án do NHCSXH trung ương nhận vốn cấp từ Ngân sách trung ương hoặc nhận vốn ủy thác cho vay của các Chủ đầu tư.
d) Chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương: Là chỉ tiêu kế hoạch tín dụng do NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện nhận vốn uỷ thác để cho vay theo chương trình, dự án hoặc theo chỉ định của UBND cấp tỉnh, cấp huyện và các Chủ đầu tư khác để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác phù hợp với quy định của pháp luật.
đ) Quỹ An toàn chi trả (ATCT) của NHCSXH bao gồm: Tồn quỹ tiền mặt, số dư tiền gửi tại Ngân hàng Nhà nước và tại các tổ chức tín dụng để duy trì hoạt động của NHCSXH được thường xuyên, liên tục, đảm bảo khả năng thanh toán.
e) Năm thực hiện: Là khoảng thời gian mà NHCSXH các cấp đang tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng được cấp có thẩm quyền giao, bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12.
g) Năm kế hoạch: Là năm liền kề sau năm thực hiện, bắt đầu từ ngày 01/01 và kết thúc vào ngày 31/12.
2. Mục đích của việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng
a) Xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
b) Khai thác và tập trung các nguồn vốn để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng chính sách.
c) Cân đối giữa nguồn vốn và nhu cầu sử dụng vốn, đảm bảo việc thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng, khả năng thanh toán và tiết kiệm chi phí.
3. Nguyên tắc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng
a) Kế hoạch tín dụng phải được xây dựng từ NHCSXH cấp huyện trên cơ sở tổng hợp nhu cầu tín dụng chính sách của các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã), tổng hợp cấp huyện để xây dựng kế hoạch tín dụng cấp tỉnh. Căn cứ kế hoạch tín dụng cấp tỉnh, Hội sở chính tổng hợp, xây dựng kế hoạch tín dụng toàn hệ thống.
b) Việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng phải gắn với chế độ quản lý tài chính, chế độ tín dụng, chế độ thanh toán, quản lý vốn tiền mặt.
c) Kế hoạch tín dụng hàng năm, 5 năm của NHCSXH được tổ chức thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống.
d) Căn cứ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng trong năm kế hoạch, NHCSXH xây dựng kế hoạch huy động vốn theo các hình thức huy động đã được quy định tại Chương II, Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, theo nguyên tắc ưu tiên sử dụng tối đa các nguồn vốn không phải trả lãi hoặc vốn huy động với lãi suất thấp, nếu thiếu mới huy động vốn theo lãi suất thị trường.
đ) Đối với nguồn vốn nhận uỷ thác cho vay theo chương trình, dự án hoặc theo chỉ định của các Chủ đầu tư, Tổng Giám đốc NHCSXH, Giám đốc NHCSXH các cấp thực hiện cho vay theo Quy chế tạo lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn ủy thác (sau đây gọi tắt là Quy chế về nguồn vốn ủy thác) của Chủ đầu tư hoặc theo Hợp đồng ủy thác ký giữa Chủ đầu tư và NHCSXH.
4. Các hành vi nghiêm cấm trong tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng.
- Cho vay vượt chỉ tiêu kế hoạch dư nợ được giao.
- Đối với Sở giao dịch, NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện:
+ Tự điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch dư nợ từ Chương trình tín dụng này sang Chương trình tín dụng khác.
+ Cho vay vượt nguồn vốn thực nhận từ Chủ đầu tư.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn Trung ương
a) Căn cứ để xây dựng kế hoạch
- Chủ trương chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình mục tiêu quốc gia có liên quan; các chương trình tín dụng chỉ định của Chính phủ;
- Chiến lược phát triển NHCSXH giai đoạn 2011 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 852/QĐ-TTg ngày 10/7/2012;
- Nhu cầu vốn thực tế của các đối tượng được thụ hưởng tín dụng chính sách;
- Kết quả thực hiện kế hoạch tín dụng trong năm trước liền kề và ước tính kết quả thực hiện kế hoạch năm thực hiện.
b) Quy trình và thời gian xây dựng kế hoạch
Bước 1: Tại cấp huyện: Phòng giao dịch NHCSXH cấp huyện xác định KHTD căn cứ vào nhu cầu vốn tín dụng chính sách tại thôn, ấp, bản, làng (sau đây gọi chung là thôn), để tổng hợp theo biểu số 01/NHCS-KH. Cụ thể:
- Cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn xã tham mưu cho UBND xã xác định nhu cầu vay vốn của các đối tượng thụ hưởng tín dụng chính sách của xã theo từng thôn, sau đó tổng hợp toàn xã gửi NHCSXH cấp huyện.
- Trên cơ sở tổng hợp nhu cầu vay vốn tín dụng chính sách trên địa bàn, NHCSXH cấp huyện phối hợp với các phòng, ban liên quan của huyện xây dựng kế hoạch tín dụng năm của huyện theo biểu số 02/NHCS-KH, trình Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH cấp huyện phê duyệt, gửi NHCSXH cấp tỉnh trước ngày 10 tháng 7 hàng năm.
Bước 2: Tại NHCSXH cấp tỉnh: Tổng hợp kế hoạch tín dụng từ cấp huyện, NHCSXH cấp tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan xây dựng kế hoạch tín dụng năm của chi nhánh theo biểu số 02/NHCS-KH kèm thuyết minh KHTD năm, trình Trưởng Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh phê duyệt, gửi Hội sở chính NHCSXH trước ngày 25 tháng 7 hàng năm.
Bước 3: Tại Hội sở chính NHCSXH: Tổng hợp kế hoạch tín dụng từ cấp tỉnh và vốn các chương trình tín dụng, Hội sở chính NHCSXH xây dựng kế hoạch tín dụng toàn hệ thống, bảo vệ kế hoạch tín dụng trước Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan. Sau đó, hoàn thiện kế hoạch tín dụng, báo cáo HĐQT NHCSXH phê duyệt để trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Căn cứ Quy chế về nguồn vốn ủy thác (Biểu số 03/NHCS-KH) hoặc Hợp đồng ủy thác (Biểu số 04/NHCS-KH) đã ký với các Chủ đầu tư và dự kiến nguồn vốn ủy thác nhận trong năm kế hoạch, NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện xây dựng chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương của đơn vị, đồng thời tổng hợp kế hoạch tín dụng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương của đơn vị và các đơn vị trực thuộc báo cáo NHCSXH cấp trên.
3. Giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng
a) Đối với chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn trung ương
- Hàng năm, căn cứ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn trung ương được Thủ tướng Chính phủ và các Cơ quan quản lý Chương trình tín dụng chính sách thông báo, trên cơ sở Nghị quyết của Hội đồng quản trị NHCSXH, Tổng Giám đốc thông báo giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho Sở giao dịch và NHCSXH cấp tỉnh theo biểu số 05/NHCS-KH (Giao, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm).
- Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Tổng Giám đốc giao, Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh báo cáo và tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng đến NHCSXH cấp huyện, theo biểu số 06/NHCS-KH.
- Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được Trưởng Ban đại diện HĐQT cấp tỉnh giao, Giám đốc NHCSXH cấp huyện báo cáo và tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT cấp huyện giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho cấp xã trên địa bàn, theo biểu số 06/NHCS-KH (Giao, điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng năm).
- Cán bộ tín dụng theo dõi địa bàn xã tham mưu cho UBND cấp xã giao vốn cho từng thôn theo biểu số 07/NHCS-KH.
b) Đối với chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
Việc giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, Giám đốc NHCSXH nơi ký nhận vốn ủy thác thực hiện theo Quy chế về nguồn vốn ủy thác hoặc hợp đồng ủy thác đã ký với Chủ đầu tư.
4. Quản lý và tổ chức thực hiện chỉ tiêu kế hoạch tín dụng
a) Đối với chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn Trung ương
- Nguồn vốn
+ Căn cứ chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn được NHCSXH cấp trên giao, Sở giao dịch, NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện chủ động tìm các giải pháp phù hợp nhằm thực hiện hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn hàng năm.
NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện có thể huy động vốn vượt số kế hoạch đã được NHCSXH cấp trên giao đối với từng chỉ tiêu kế hoạch huy động vốn cụ thể nhưng đơn vị phải lập Tờ trình báo cáo NHCSXH cấp trên để điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch. Trong khi chờ ý kiến phê duyệt thì được phép huy động vượt tối đa không quá 10% kế hoạch huy động vốn đã được thông báo trong thời gian tối đa là 15 ngày.
+ Về lãi suất huy động, Tổng Giám đốc giao Giám đốc Sở giao dịch, Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh quyết định, nhưng không được vượt quá mức lãi suất huy động cùng kỳ hạn, cùng thời điểm của các Ngân hàng thương mại Nhà nước trên cùng địa bàn.
- Dư nợ
+ Chỉ tiêu kế hoạch dư nợ được giao là mức dư nợ tối đa mà Sở giao dịch, NHCSXH các cấp được phép thực hiện.
+ Đối với chỉ tiêu dư nợ nhận uỷ thác đầu tư theo các chương trình, dự án chỉ định của Chính phủ và Chủ đầu tư: Tổng Giám đốc NHCSXH điều hành theo quy định của chương trình, dự án hoặc hợp đồng ủy thác.
b) Đối với chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương
- Tiếp nhận và quản lý nguồn vốn ủy thác
Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện quản lý nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương theo Quy chế về nguồn vốn ủy thác hoặc theo Hợp đồng ủy thác đã ký với Chủ đầu tư. Khi tham mưu cho UBND tỉnh (huyện) ban hành Quy chế nguồn vốn ủy thác hoặc khi ký hợp đồng ủy thác với Chủ đầu tư, NHCSXH các cấp cần xem xét đảm bảo các tiêu chí sau:
+ Chương trình hoặc dự án tín dụng nhận làm uỷ thác phải phù hợp với quy định của pháp luật và quy định của NHCSXH.
+ Về thủ tục, quy trình nghiệp vụ và sản phẩm cho vay, NHCSXH nơi nhận ủy thác căn cứ vào đối tượng thụ hưởng, mục đích sử dụng vốn vay để áp dụng phương thức, quy trình thủ tục cho vay phù hợp với quy định hiện hành của NHCSXH và các sản phẩm cho vay sẵn có trong hệ thống Intellect.
+ Lãi suất cho vay do Chủ đầu tư quyết định nhưng phải phù hợp với lãi suất cho vay hiện hành của NHCSXH, trên nguyên tắc đảm bảo bù đắp đầy đủ chi phí quản lý của NHCSXH và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo quy định hiện hành. Nếu lãi suất cho vay không đủ bù đắp chi phí quản lý của NHCSXH và trích lập dự phòng rủi ro tín dụng, Chủ đầu tư phải cấp kinh phí cho NHCSXH. Cụ thể như sau:
* Xác định nguồn kinh phí để bù đắp đầy đủ các chi phí quản lý của NHCSXH bao gồm: Hoa hồng trả cho Tổ tiết kiệm và vay vốn; phí uỷ thác trả cho tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và các khoản chi về dịch vụ thanh toán, ngân quỹ, chi phí cho nhân viên, chi hoạt động quản lý và công vụ, chi về tài sản, các khoản chi khác (nếu có) do NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện nơi nhận uỷ thác tự thoả thuận với Chủ đầu tư căn cứ vào mức chi phí quản lý thực tế của đơn vị tại thời điểm ký kết, nhưng mức tối thiểu phải bằng mức phí quản lý theo quy định được Thủ tướng Chính phủ giao cho NHCSXH trong từng thời kỳ.
* Về trích lập Quỹ dự phòng rủi ro tín dụng: Việc trích lập Quỹ được tính theo dư nợ bình quân, mức trích tối thiểu bằng tỷ lệ trích lập quỹ dự phòng rủi ro theo quy định hiện hành của NHCSXH. Trường hợp rủi ro bất khả kháng mà hộ vay không có khả năng trả nợ, quỹ dự phòng rủi ro được trích lập không đủ thì Chủ đầu tư phải cấp kinh phí bù đắp hoặc giảm trực tiếp vào nguồn vốn ủy thác thực chuyển.
+ Ngoài phần bù đắp chi phí quản lý cho NHCSXH và trích lập dự phòng rủi ro nêu trên, nếu Chủ đầu tư có quy định trích kinh phí hoạt động và khen thưởng cho Ban đại diện HĐQT, phải quy định rõ trong Quy chế về nguồn vốn ủy thác hoặc hợp đồng ủy thác về nguồn để trích lập, mức trích lập.
+ Đối với nguồn vốn chương trình cho vay từ Quỹ giải quyết việc làm địa phương, thực hiện theo quy định hiện hành của Quỹ quốc gia.
+ Nguồn vốn do các Chủ đầu tư tự nguyện góp để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác mà không quy định thực hiện theo chương trình, dự án chỉ định nào thì được hoà đồng vào nguồn vốn của Trung ương để đầu tư cho các chương trình, dự án thuộc kế hoạch tín dụng nguồn vốn trung ương.
- Quản lý dư nợ nguồn vốn ủy thác
+ Chỉ tiêu kế hoạch dư nợ nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương, NHCSXH các cấp thực hiện quản lý, cho vay theo chỉ định của Chủ đầu tư và thực hiện tối đa bằng nguồn vốn đã nhận từ Chủ đầu tư.
+ NHCSXH các cấp không được tự ý điều chuyển vốn ra ngoài vùng dự án nếu không được Chủ đầu tư đồng ý bằng văn bản. Mọi trường hợp tăng hoặc giảm chỉ tiêu kế hoạch dư nợ chỉ được thực hiện sau khi có quyết định bằng văn bản của Chủ đầu tư.
- Hạch toán nguồn vốn và dư nợ nhận uỷ thác của địa phương:
Được theo dõi, hạch toán vào tài khoản kế toán riêng theo các văn bản hướng dẫn của Tổng Giám đốc NHCSXH.
5. Điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng
a) Chỉ tiêu kế hoạch tín dụng nguồn vốn trung ương: Được điều chỉnh tổng thể 01 lần vào cuối quý III (tháng 9) của năm thực hiện. Ngoài ra, căn cứ vào tình hình nguồn vốn, tiến độ giải ngân, nhu cầu vốn phát sinh đột xuất của các đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi, Tổng Giám đốc cân đối điều chỉnh, bổ sung chỉ tiêu kế hoạch tín dụng từng lần cho NHCSXH cấp tỉnh trong năm thực hiện.
b) Đối với NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện: Khi có nhu cầu điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, đơn vị lập tờ trình báo cáo Trưởng Ban đại diện HĐQT cùng cấp phê duyệt để trình NHCSXH cấp trên xem xét, quyết định (Biểu số 08/NHCS-KH) và chỉ được thực hiện sau khi có phê duyệt bằng văn bản của NHCSXH cấp trên.
c) Đối với Sở giao dịch: Khi có nhu cầu điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng, đơn vị lập tờ trình (Biểu số 08/NHCS-KH) báo cáo Tổng Giám đốc xem xét, quyết định và chỉ được thực hiện khi Tổng Giám đốc đồng ý bằng văn bản.
d) Điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng trong nội bộ NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện:
- Điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn xã, cán bộ tín dụng được phân công theo dõi địa bàn xã tham mưu cho UBND xã điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng cho cấp thôn.
- Điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch tín dụng giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh (huyện), Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh (cấp huyện) căn cứ tình hình thực tế và nhu cầu điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch của cấp huyện (xã), tham mưu cho Trưởng Ban đại diện HĐQT cùng cấp ra quyết định điều chỉnh.
Trường hợp được Trưởng Ban đại diện HĐQT cùng cấp ủy quyền điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch (Biểu số 09/NHCS-KH), Giám đốc NHCSXH có thể ra quyết định điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch đối với đơn vị cấp dưới và phải báo cáo lại Trưởng Ban đại diện HĐQT.
6. Quỹ an toàn chi trả
a) Hạn mức Quỹ an toàn chi trả (ATCT)
- Quỹ ATCT do Hội sở chính NHCSXH quản lý thống nhất trong toàn hệ thống có phân cấp đến NHCSXH cấp tỉnh và cấp huyện.
- Hạn mức Quỹ ATCT tại Sở giao dịch, NHCSXH cấp tỉnh do Tổng Giám đốc quy định cụ thể trong từng thời kỳ. Việc điều chỉnh Quỹ ATCT cho Sở giao dịch, NHCSXH cấp tỉnh phải có quyết định điều chỉnh của Tổng Giám đốc.
- Hạn mức Quỹ ATCT của NHCSXH cấp huyện do Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh quy định, căn cứ vào mức độ hoạt động thực tế và khoảng cách từ trụ sở làm việc của NHCSXH tới nơi mở tài khoản thanh toán.
- Đối với nguồn vốn từ Hội sở chính NHCSXH chuyển về để phục vụ hoạt động giải ngân và thanh toán, NHCSXH cấp tỉnh chỉ được phép để vượt hạn mức Quỹ ATCT tối đa là 07 ngày làm việc (trừ ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ).
- Định mức tồn quỹ tiền mặt cuối ngày tại Sở giao dịch và NHCSXH cấp huyện do Tổng Giám đốc quy định cụ thể trong từng thời kỳ.
- Đơn vị được phép để tồn quỹ tiền mặt vượt định mức khi:
+ Trường hợp đơn vị có lịch trực giao dịch xã vào các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ và trên địa bàn không có ngân hàng phục vụ làm việc vào các ngày này thì tùy từng trường hợp cụ thể, đơn vị được phép để vượt mức tồn quỹ tiền mặt theo thực tế vào ngày trước liền kề và trong các ngày nghỉ cuối tuần, ngày lễ.
+ Do điều kiện giao thông không thuận lợi, điều kiện tự nhiên thay đổi như bão, lũ, sạt lở... tổ giao dịch xã không về kịp để thực hiện gửi tiền (theo văn bản 2660/NHCS-KHNV ngày 23/7/2014 về việc định mức tồn quỹ tiền mặt).
Giám đốc đơn vị chịu trách nhiệm về việc đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản.
b) Điều hành Quỹ ATCT hàng ngày
- Tại NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện
+ Cuối ngày, NHCSXH các cấp xác định số dư Quỹ ATCT:
* Nếu vượt định mức tồn quỹ tiền mặt: thì nộp phần vượt vào tài khoản mở tại các ngân hàng khác.
* Nếu vượt hạn mức Quỹ ATCT: thì trích chuyển phần vượt về NHCSXH cấp trên hoặc chuyển trực tiếp sang đơn vị thiếu theo lệnh của NHCSXH cấp trên vào ngày làm việc liền kề.
* Trưởng phòng Kế toán ngân quỹ và Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ tín dụng (hoặc Trưởng kế toán và Tổ trưởng Tổ kế hoạch nghiệp vụ) NHCSXH các cấp chịu trách nhiệm tham mưu thực hiện nhiệm vụ này.
+ Trường hợp NHCSXH cấp tỉnh có mức ATCT thấp hơn hạn mức quy định, có nhu cầu giải ngân, thanh toán, NHCSXH cấp tỉnh lập điện báo đề nghị chuyển vốn gửi Sở giao dịch để thực hiện điều chuyển vốn theo Biểu số 10/NHCS-KH đính kèm văn bản số 407/NHCS-KHNV ngày 12/02/2014 của Tổng Giám đốc.
+ NHCSXH các cấp phải chủ động trong việc sử dụng Quỹ ATCT tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán hàng ngày và không để vượt hạn mức Quỹ ATCT được giao.
- Tại Hội sở chính NHCSXH
+ Tổng Giám đốc giao Sở giao dịch hàng ngày nhận và tổng hợp điện báo đề nghị chuyển vốn từ NHCSXH cấp tỉnh để chuyển vốn cho các đơn vị, nhằm đảm bảo khả năng thanh toán và thực hiện chỉ tiêu kế hoạch dư nợ đã được Tổng Giám đốc giao.
+ Trường hợp phát hiện các đơn vị để vượt hạn mức Quỹ ATCT, Giám đốc Sở giao dịch được phép lập lệnh chuyển số tiền vượt Quỹ ATCT về Sở giao dịch hoặc chuyển trực tiếp sang đơn vị có mức ATCT thấp hơn hạn mức quy định và đang có nhu cầu xin điều chuyển vốn, cuối ngày phải báo cáo Tổng Giám đốc (qua Ban Kế hoạch nguồn vốn) để theo dõi, điều hành.
7. Điều hoà vốn trong hệ thống NHCSXH
a) Nguyên tắc điều hoà vốn trong hệ thống
- Đảm bảo đáp ứng đầy đủ và kịp thời nhu cầu về vốn cho các đơn vị để tổ chức thực hiện kế hoạch được giao, bao gồm: kế hoạch tín dụng, kế hoạch tài chính, kế hoạch mua sắm tài sản, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản, thanh toán chuyển tiền...
- Hội sở chính NHCSXH điều hoà vốn đến NHCSXH cấp tỉnh.
- NHCSXH cấp tỉnh điều hoà vốn đến NHCSXH cấp huyện trực thuộc.
b) Nội dung điều hoà vốn
NHCSXH các cấp tận dụng các nguồn vốn thực tế trong ngày để đáp ứng các yêu cầu về vốn giải ngân và thanh toán của đơn vị. Nếu Quỹ ATCT thấp hơn hạn mức quy định, đơn vị có nhu cầu giải ngân, thanh toán, NHCSXH cấp dưới lập điện báo đề nghị điều chuyển vốn gửi NHCSXH cấp trên. Nếu Quỹ ATCT cao hơn hạn mức quy định và đơn vị không có nhu cầu vốn để giải ngân, thanh toán, NHCSXH cấp dưới chuyển phần vượt hạn mức về NHCSXH cấp trên hoặc chuyển trực tiếp sang đơn vị thiếu theo lệnh chuyển tiền của NHCSXH cấp trên.
8. Chế độ báo cáo thống kê
- Đối với các báo cáo định kỳ hoặc đột xuất: Sở giao dịch, NHCSXH cấp tỉnh và NHCSXH cấp huyện thực hiện theo chế độ báo cáo thống kê hiện hành của NHCSXH.
- Đối với báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tín dụng hàng năm:
+ Kết thúc năm thực hiện: Sở giao dịch, NHCSXH các cấp căn cứ chỉ tiêu kế hoạch được giao (kể cả giao bổ sung) báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch tín dụng đến 31/12 (bao gồm chỉ tiêu nguồn vốn, dư nợ và Quỹ ATCT) gửi NHCSXH cấp trên (theo Biểu số 11/NHCS-KH).
+ Thời gian và cấp gửi báo cáo:
ü NHCSXH cấp huyện gửi báo cáo lên NHCSXH cấp tỉnh chậm nhất ngày 05 tháng 01 năm sau.
ü Sở giao dịch, NHCSXH cấp tỉnh gửi báo cáo lên Hội sở chính (qua Ban Kế hoạch nguồn vốn) chậm nhất vào ngày 10 tháng 01 năm sau.
9. Trách nhiệm của Sở giao dịch, NHCSXH cấp tỉnh, NHCSXH cấp huyện
a) Chấp hành đúng các quy định về xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng.
b) Giám đốc Sở giao dịch chịu trách nhiệm quản lý Quỹ ATCT của đơn vị và điều hành Quỹ ATCT trong toàn hệ thống.
c) Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện tham mưu cho UBND các cấp trong việc tạo lập, quản lý và sử dụng nguồn vốn từ ngân sách tỉnh (huyện) uỷ thác qua NHCSXH để cho vay đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn.
d) Giám đốc Sở giao dịch, Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Tổng Giám đốc về việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng được giao.
đ) Giám đốc NHCSXH cấp tỉnh, cấp huyện có trách nhiệm tổ chức kiểm tra và đánh giá việc thực hiện kế hoạch tín dụng hàng năm của các đơn vị trực thuộc.
III. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng.
1. Đánh giá tổng quát công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng trong thời gian qua.
a) Những kết quả chính đạt được
- Công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng trong toàn hệ thống, về cơ bản đã đi vào nề nếp, triển khai tương đối tốt, đúng quy định của Tổng Giám đốc NHCSXH. Cụ thể:
+ Việc xây dựng kế hoạch tín dụng được thực hiện từ cấp thôn đã có sự tham gia của chính quyền các cấp, đảm bảo khách quan, cơ bản phản ánh nhu cầu vốn thực tế của các đối tượng chính sách.
+ Việc giao chỉ tiêu kế hoạch tín dụng được thực hiện bài bản, có sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và của nhân dân, nhờ đó tạo được lòng tin của nhân đân đối với chính sách của Đảng, Nhà nước và đối với hoạt động của NHCSXH.
+ Trong những năm qua NHCSXH luôn hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng tín dụng mà Thủ tướng Chính phủ giao. Điều đó cho thấy sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát, kịp thời của cấp ủy chính quyền địa phương, sự phối hợp của các tổ chức chính trị -xã hội và các Ban ngành liên quan trong công tác quản lý và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng NHCSXH.
- Việc chấp hành định mức Quỹ ATCT: Các chi nhánh cơ bản chấp hành tốt định mức Quỹ ATCT được Tổng Giám đốc quy định, sử dụng hiệu quả, kịp thời, không để tồn đọng, gây lãng phí vốn.
- Về thông tin báo cáo: hệ thống Inlellect ngày càng hoàn thiện và phát huy hiệu quả trong công tác báo cáo và quản lý kế hoạch tín dụng.
b) Những khó khăn tồn tại
- Về xây dựng kế hoạch tín dụng
+ Việc xây dựng chỉ tiêu kế hoạch ở nhiều địa phương chưa sát với nhu cầu thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của toàn hệ thống;
+ Một số chi nhánh chưa làm tốt công tác điều hành quản lý kế hoạch tín dụng, dự kiến nhu cầu vốn trong ngắn hạn chưa chính xác gây bị động trong công tác điều hành kế hoạch của Hội sở chính.
+ Hàng năm, Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng kế hoạch tín dụng thường thấp nhu cầu vốn thực tế so với kế hoạch NHCSXH xây dựng.
- Về kế hoạch nguồn vốn
+ Ngân sách Nhà nước chưa đáp ứng kịp thời nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách mới do Thủ tướng Chính phủ giao.
+ Nguồn vốn chưa có tính ổn định, lâu dài. Nguồn vốn do ngân sách Nhà nước cấp chiếm tỉ trọng thấp trong tổng nguồn vốn của NHCSXH.
+ Kết quả huy động vốn từ tổ chức, cá nhân và thành viên Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại một số chi nhánh chưa cao, chưa hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch Trung ương giao.
- Về thực hiện nguồn vốn ủy thác tại địa phương
Kết quả nhận vốn ủy thác từ ngân sách địa phương không đồng đều. Một số chi nhánh đạt thấp nhiều so với mức bình quân chung toàn quốc (bình quân chung hệ thống là 71,7 tỷ đồng/tỉnh).
- Về thực hiện định mức Quỹ an toàn chi trả
Việc chấp hành định mức Quỹ ATCT tại một số chi nhánh, Phòng giao dịch chưa thực sự nghiêm túc, còn để vượt một số ngày gây tồn đọng và lãng phí vốn.
2. Giải pháp nâng cao chất lượng công tác lập và quản lý kế hoạch tín dụng
a) Đối với Hội sở chính NHCSXH
- Căn cứ chỉ thị 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư TW Đảng, NHCSXH các cấp chủ động báo cáo, chỉ đạo NHCSXH các cấp tham mưu Hội đồng nhân dân, UBND cùng cấp:
+ Dành một phần Ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn để cho các đối tượng chính sách trên địa bàn vay.
+ Tích cực huy động nguồn vốn từ cộng đồng dân cư, tiền gửi của thành viên Tổ TK&VV, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
- Bám sát chỉ đạo của Thủ tướng, các Bộ, ngành tập trung chỉ đạo công tác điều hành kế hoạch tín dụng
- Nghiên cứu, đề xuất tham mưu với các Bộ, ngành, trình Chính phủ các giải pháp thực thi chính sách tín dụng hiệu quả
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng hàng năm.
b) Đối với chi nhánh NHCSXH cấp tỉnh, huyện
- Tham mưu cho Ban đại diện HĐQT:
+ Hỗ trợ, tạo điều kiện cho NHCSXH để triển khai thực hiện Chiến lược phát triển đến năm 2020
+ Hàng năm, dành một phần Ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay
+ Tổ chức điều tra, quản lý chặt chẽ và chủ động điều chỉnh, bổ sung kịp thời danh sách hộ nghèo và hộ cận nghèo
+ Phối hợp chặt chẽ với UBND cấp xã để có giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng chính sách và khảo sát nhu cầu vay vốn
- Công tác chỉ đạo điều hành
+ Tập trung chỉ đạo các đơn vị tổ chức giải ngân kịp thời theo kế hoạch được giao hàng năm.
+ Tăng cường xử lý, thu hồi nợ đến hạn, nợ quá hạn để bổ sung nguồn vốn cho vay quay vòng
+ Hàng tháng, tại Điểm giao dịch xã, NHCSXH nơi cho vay thông báo kế hoạch cho vay, thu nợ và những vướng mắc tín dụng chính sách trên địa bàn tới Chủ tịch UBND xã biết và để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Chấp hành nghiêm túc định mức tồn quỹ tiền mặt, định mức Quỹ an toàn chi trả: Gắn kế hoạch thu nợ, giải ngân theo tháng, tuần, thậm chí theo ngày giao dịch để nâng cao hệ số sử dụng vốn, tránh lãng phí vốn
+ Theo dõi sát diễn biến thực hiện chỉ tiêu kế hoạch để điều chỉnh kịp thời, linh hoạt, nắm chắc số liệu từng ngày từ các Tổ, các xã.
- Chấp hành nghiêm túc chế độ báo cáo thống kê. Đặc biệt cần thực hiện nghiêm chỉnh quy định về công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tín dụng theo quyết định 86/NHCS-KHNV của Tổng Giám đốc NHCSXH.
|
|
|
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc