1

Thống Kê

  • Đang truy cập: 40
  • Hôm nay: 10288
  • Tháng hiện tại: 138541
  • Tổng lượt truy cập: 10947364

Bài 1 MỘT SỐ NỘI DUNG CƠ BẢN VỀ NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI (Tài liệu tập huấn Chủ tịch xã là thành viên Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội cấp huyện)

Đăng lúc: Thứ năm - 13/04/2017 08:19 - Người đăng bài viết: admin
I. SỰ RA ĐỜI VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
1. Hoàn cảnh ra đời NGÂN HÀNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI
Ngày 31/8/1995, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 525/TTg về việc thành lập Ngân hàng Phục vụ Người nghèo (NHNg) với mục tiêu xóa đói giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận. NHNg là một tổ chức tín dụng đặc thù: Mô hình tổ chức quản lý theo phương thức các cơ quan quản lý Nhà nước tham gia ban hành chính sách, còn việc điều hành tác nghiệp ủy thác cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam đảm nhận, về cơ chế hoạt động tạo khả năng huy động vốn thông qua hoạt động của Ngân hàng có sự bảo trợ của Chính phủ.
Qua 7 năm hoạt động của NHNg, các tổ chức tài chính quốc tế nhận xét rằng “đây là chương trình cho vay ưu đãi của Chính phủ, chưa phải là hoạt động của một tổ chức tín dụng, chưa có cơ sở cho sự phát triển bền vững vì chưa nhận được vốn vay từ các tổ chức tài chính quốc tế”.
Nhằm cụ thể hoá Nghị quyết của Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX, Luật Các tổ chức tín dụng và Nghị quyết kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá X về chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, tách tín dụng chính sách ra khỏi hoạt động tín dụng thông thường của các ngân hàng thương mại Nhà nước, cơ cấu lại hệ thống ngân hàng, ngày 04/10/2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH). Theo đó, NHCSXH được sử dụng các nguồn lực tài chính do Nhà nước huy động để cho người nghèo và các đối tượng chính sách khác vay ưu đãi phục vụ sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; góp phần thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, ổn định xã hội.
Sau khi có Quyết định thành lập, Ban lãnh đạo NHCSXH nhanh chóng sắp xếp bộ máy, mạng lưới hoạt động và ngày 11/3/2003, NHCSXH chính thức khai trương, đi vào hoạt động.
2. Chức năng nhiệm vụ
NHCSXH được thành lập để thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác với mục tiêu hoạt động không vì lợi nhuận. Hiện nay, NHCSXH được thực hiện các nghiệp vụ: Huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho các chương trình dự án phát triển kinh tế - xã hội.
Với mục tiêu và những quy định hoạt động đó, NHCSXH là một trong những công cụ kinh tế của Nhà nước nhằm giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất, tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đối sống, vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện chính sách phát triển kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội, vì mục tiêu dân giàu - nước mạnh, xã hội - công bằng - dân chủ - văn minh.
3. Đối tượng cho vay
Đối tượng khách hàng của NHCSXH gồm: hộ gia đình nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở vùng nghèo, vùng khó khăn và các đối tượng chính sách khác.
Các đối tượng vay vốn tại NHCSXH chủ yếu là do Chính phủ chỉ định tại mỗi chương trình cho vay của NHCSXH theo những tiêu chí cụ thể. Mỗi chương trình cho vay có quy định rõ đối tượng được vay vốn. Ví dụ:
- Nếu đối tượng vay là hộ nghèo, hộ cận nghèo thì căn cứ vào Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho từng thời kỳ.
- Nếu đối tượng vay thuộc diện gia đình có công với các mạng, gia đình thương binh, liệt sỹ đều có trong danh sách do cấp xã quản lý theo dõi…
Vì vậy, Chủ tịch UBND cấp xã có vai trò rất quan trọng trong việc phê duyệt danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn trên mẫu 03/TD của NHCSXH.
4. Mô hình tổ chức và mạng lưới hoạt động của NHCSXH
NHCSXH có mô hình và mạng lưới hoạt động được tổ chức theo 3 cấp: Hội sở chính ở Trung ương, Chi nhánh ở cấp tỉnh, Phòng giao dịch ở cấp huyện. Mỗi cấp đều có bộ máy quản trịbộ máy điều hành tác nghiệp:
4.1. Bộ máy quản trị
Bộ máy quản trị gồm NHCSXH: Hội đồng quản trị ở Trung ương; Ban đại diện Hội đồng quản trị ở cấp tỉnh, cấp huyện.
- Hội đồng quản trị NHCSXH
Hội đồng quản trị (HĐQT) NHCSXH, ngoài các thành viên chuyên trách còn có các thành viên kiêm nhiệm là đại diện có thẩm quyền của các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Nhờ đó, các đường lối, chính sách và phương hướng hoạt động của NHCSXH do HĐQT đề ra sẽ phù hợp và đồng bộ với các chương trình chính sách xã hội do các Bộ, ngành, đoàn thể khác thực hiện, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động xóa đói, giảm nghèo. Hiện nay, HĐQT có 14 thành viên, trong đó 12 thành viên kiêm nhiệm và 02 thành viên chuyên trách.
HĐQT có chức năng quản trị các hoạt động của NHCSXH, phê duyệt chiến lược phát triển dài hạn, kế hoạch hoạt động hàng năm, ban hành các văn bản về chủ trương, chính sách, quy định, quy chế tổ chức và hoạt động của NHCSXH các cấp, nghị quyết các kỳ họp HĐQT thường kỳ và đột xuất.
Ngoài chức năng nhiệm vụ như trên, tuỳ theo chức năng nhiệm vụ của  mỗi Bộ, ngành, từng thành viên kiêm nhiệm HĐQT còn trực tiếp chỉ đạo hệ thống Bộ, ngành mình tham gia quản lý, giám sát, hỗ trợ các hoạt động của NHCSXH, tham gia chuyển tải vốn đến hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác tại địa phương.
Giúp việc cho HĐQT có Ban chuyên gia tư vấn và Ban kiểm soát NHCSXH.
- Ban đại diện Hội đồng quản trị các cấp.
Tại các chi nhánh NHCSXH tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh có Ban đại diện HĐQT các cấp có chức năng giám sát việc thực thi các Nghị quyết, Văn bản chỉ đạo của HĐQT tại các địa phương. Chỉ đạo việc gắn tín dụng chính sách với kế hoạch giảm nghèo bền vững và dự án phát triển kinh tế xã hội tại địa phương để nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn ưu đãi.
Thành phần, số lượng thành viên Ban đại diện HĐQT các cấp tại địa phương tương đương như thành phần của HĐQT ở Trung ương (nhưng không có thành viên chuyên trách) là cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước như các Sở, Ban, Ngành, đoàn thể, trong đó Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân (UBND) cùng cấp làm Trưởng ban. Giúp việc cho Ban đại diện HĐQT các cấp do Giám đốc NHCSXH cùng cấp đảm nhận.
Ban đại diện HĐQT NHCSXH các cấp hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm qui định tại Quy chế ban hành kèm theo Quyết định số 162/QĐ-HĐQT ngày 17/4/2003 của Hội đồng quản trị.
Sau 10 năm hoạt động, NHCSXH tổ chức đánh giá lại hoạt động của ngân hàng và khẳng định được vai trò của UBND cấp xã đối với hoạt động của NHCSXH. Năm 2013, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, NHCSXH thực hiện thí điểm đưa Chủ tịch UBND xã vào thành viên Ban đại diện HĐQT cấp huyện tại 03 tỉnh: Thanh Hóa, Bắc Giang và Long An. Đầu năm 2014, tổng kết đánh giá cho thấy hiệu quả và khẳng định là thiết thực và cần triển khai toàn quốc. Theo đó, xét đề nghị của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép bổ sung Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện. Năm 2015, NHCSXH triển khai thực hiện bổ sung Chủ tịch xã vào thành viên Ban đại diện HĐQT NHCSXH cấp huyện.
4.2. Bộ máy điều hành tác nghiệp
- NHCSXH có mạng lưới hoạt động từ Trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện theo địa giới hành chính. Tại Trung ương có: Các Ban chuyên môn nghiệp vụ Hội sở chính, Trung tâm Đào tạo, Trung tâm Công nghệ thông tin và Sở giao dịch. Tại địa phương có: Chi nhánh NHCSXH các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các Phòng giao dịch NHCSXH quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện). Điều hành hoạt động của hệ thống NHCSXH là Tổng Giám đốc, điều hành hoạt động tại Chi nhánh tỉnh, thành phố là Giám đốc Chi nhánh và điều hành hoạt động tại Phòng giao dịch cấp huyện là Giám đốc Phòng giao dịch.
- Tại địa phương, bên cạnh bộ phận tác nghiệp chuyên trách của NHCSXH còn có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương (gồm cả chính quyền cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và thôn/ấp). Việc tham gia của các thành phần trên đã giúp việc xác nhận đối tượng thụ hưởng chính sách tín dụng một cách chính xác, nhanh chóng; gắn tín dụng chính sách với hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, hướng nghiệp, chuyển giao khoa học kỹ thuật,... giúp hộ vay sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, có thu nhập, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, sự tham gia của cấp ủy, chính quyền địa phương giúp cho việc tiếp nhận và triển khai chính sách của Chính phủ kịp thời và sát hơn với thực tiễn của từng địa phương làm tăng tính xã hội hóa hoạt động tín dụng chính sách, nâng cao vai trò quản lý Nhà nước đối với tín dụng chính sách (vừa có chức năng chỉ đạo thực hiện, vừa có chức năng kiểm tra, giám sát). Ngoài ra, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp, còn chỉ đạo và phối hợp với các tổ chức Hội, đoàn thể theo dõi giám sát hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) để thực hiện tốt tín dụng chính sách trên địa bàn.
Mô hình hoạt động của NHCSXH đã thể hiện chủ trương xã hội hóa, dân chủ hóa, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động tín dụng chính sách. Với mô hình này, người dân không chỉ được hưởng lợi từ các chính sách ưu đãi của Chính phủ mà còn được trực tiếp theo dõi, giám sát hoạt động của NHCSXH góp phần nâng cao hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách.
Tóm tắt mô hình tổ chức và mạng lưới hoạt động của NHCSXH được mô phỏng bởi sơ đồ (đính kèm).
5. Hoạt động nghiệp vụ tại xã
Nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác, NHCSXH đưa các hoạt động nghiệp vụ về phục vụ ngay tại xã, phường, thị trấn (gọi chung là xã) thông qua hoạt động của Tổ giao dịch tại xã.
- Tổ giao dịch xã là một bộ phận nghiệp vụ của NHCSXH được thành lập để thực hiện hoạt động giao dịch xã. Tổ giao dịch tại xã thực hiện việc phổ biến, tuyên truyền và công khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác; tiếp nhận hồ sơ vay vốn, giải ngân, thu nợ, thu lãi, thu tiết kiệm và thực hiện quy trình xử lý nợ, họp giao ban với Tổ trưởng tổ TK&VV và các tổ chức Hội, đoàn thể nhận ủy thác của NHCSXH.
- Điểm giao dịch xã là nơi NHCSXH tổ chức giao dịch với khách hàng, tổ chức, cá nhân liên quan trên địa bàn một xã; được đặt trong khuôn viên trụ sở UBND xã. Điểm giao dịch xã được bố trí phiên giao dịch vào ngày cố định trong tháng (kể cả vào ngày nghỉ lễ, nghỉ cuối tuần) và được niêm yết công khai trên biển hiệu Điểm giao dịch xã và trên website của NHCSXH. Trường hợp ngày giao dịch cố định trùng vào ngày được nghỉ Tết Nguyên Đán thì được tổ chức giao dịch bù.
II. MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ ỦY THÁC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TIẾT KIỆM VÀ VAY VỐN
1. Những nội dung cơ bản về ủy thác
Việc cho vay của NHCSXH được thực hiện theo phương thức cho vay trực tiếp đến người vay, nhưng có ủy thác một số nội dung công việc trong quy trình cho vay cho các tổ chức Chính trị - xã hội: Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (gọi tắt là các tổ chức Hội, đoàn thể).
- Một số nội dung công việc trong quy trình cho vay của NHCSXH ủy thác cho các tổ chức Hội, đoàn thể:
+ Tuyên truyền, vận động: Thực hiện tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ về chính sách tín dụng ưu đãi và các chương trình tín dụng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vận động việc thành lập Tổ TK&VV; vận động, đôn đốc Ban quản lý Tổ TK&VV tham dự đầy đủ các phiên giao dịch với với NHCSXH; vận động tổ viên Tổ TK&VV chấp hành quy chế  hoạt động của Tổ, thực hành tiết kiệm, giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm lẫn nhau để nâng cao đời sống, thực hiện trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn đã cam kết với NHCSXH.
+ Kiểm tra, giám sát hoạt động của Tổ TK&VV, Ban quản lý Tổ và tổ viên Tổ TK&VV: Giám sát toàn diện các hoạt động của Tổ TK&VV bằng phương thức trực tiếp tham gia họp và chỉ đạo trong các cuộc họp của Tổ. Giám sát và đôn đốc Ban quản lý Tổ thực hiện đúng các nhiệm vụ được ủy nhiệm theo Hợp đồng đã ký với NHCSXH. Thực hiện kiểm tra trực tiếp cũng như đôn đốc Ban quản lý Tổ giám sát việc sử dụng vốn vay của tổ viên Tổ TK&VV. Giám sát các phiên giao dịch của NHCSXH tại xã. Thông báo kịp thời cho Ngân hàng về các trường hợp sử dụng vốn vay bị rủi ro để có biện pháp xử lý kịp thời.
+ Các hoạt động phối hợp thực hiện khác cùng NHCSXH: Phối hợp với NHCSXH và chính quyền địa phương xử lý các trường hợp nợ chây ỳ, nợ quá hạn, người vay bỏ đi khỏi nơi cư trú; tham gia Tổ đôn đốc thu hồi nợ khó đòi cấp xã (nếu có). Phối hợp với NHCSXH thực hiện đánh giá phân loại chất lượng hoạt động của Tổ TK&VV; thực hiện các giải pháp củng cố, kiện toàn hoạt động của các Tổ TK&VV.
- Việc ủy thác một số công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận được với dịch vụ tín dụng của NHCSXH thuận lợi, nhanh chóng, tiết giảm được thời gian và chi phí đi lại, đồng thời, thực hiện được nội dung công khai, dân chủ, tăng cường sự đoàn kết, tình làng, nghĩa xóm, nâng cao trách nhiệm của người vay trong việc thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, trả nợ NHCSXH. Hoạt động nhận ủy thác cũng đã tạo điều kiện cho các tổ chức chính trị - xã hội có thêm điều kiện củng cố tổ chức của mình sát dân, gần dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn; thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Hội, đoàn thể tốt hơn; năng lực của cán bộ Hội, đoàn thể được nâng cao kể cả ở những nơi vùng sâu, vùng xa, miền núi, làm cho hội viên gắn bó hơn với các tổ chức Hội, đoàn thể.
2. Hoạt động của Tổ Tiết kiệm và vay vốn
- Việc thành lập Tổ TK&VV nhằm tập hợp hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu vay vốn NHCSXH để sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, cải thiện đời sống; cùng tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất, kinh doanh và đời sống; cùng giám sát nhau trong việc vay vốn, sử dụng vốn vay và trả nợ Ngân hàng. Các tổ viên cùng giúp đỡ nhau từng bước có thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có và quen dần với sản xuất hàng hoá, hoạt động tín dụng và tài chính.
- Tổ TK&VV có tối thiểu 05 tổ viên và tối đa 60 tổ viên cư trú hợp pháp theo địa bàn dân cư thuộc đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn (gọi chung là cấp xã). Tuy nhiên, để thuận tiện cho quản lý và hoạt động, Tổ được thành lập theo địa bàn thôn, ấp, làng, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố, khu phố, khóm và địa bàn tương đương (gọi chung là thôn) nằm trong xã. Chủ tịch UBND cấp xã chỉ đạo trưởng thôn tham gia vào việc thành lập Tổ TK&VV. Sau khi thành lập, Tổ phải được UBND cấp xã chấp thuận và chịu sự chỉ đạo, quản lý, kiểm tra trực tiếp của UBND cấp xã.
- Tổ TK&VV bầu Ban quản lý Tổ để điều hành hoạt động và thực hiện các công việc được NHCSXH ủy nhiệm. Dưới sự giám sát của các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác, Ban quản lý Tổ TK&VV thực hiện các nội dung công việc như: tuyên truyền, hướng dẫn, giải thích về chủ trương, chính sách của Nhà nước về tín dụng chính sách đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, thủ tục vay vốn NHCSXH; tuyên truyền, vận động tổ viên thực hành tiết kiệm, nâng cao ý thức trong việc vay vốn và trả nợ Ngân hàng; bình xét cho vay; thu lãi và thu tiết kiệm khi được ủy nhiệm, giám sát tổ viên sử dụng vốn vay đúng mục đích;…
- Tổ TK&VV được NHCSXH ủy nhiệm thực hiện các công việc:
+ Quản lý toàn bộ hoạt động của Tổ TK&VV theo quy định tại quy chế Tổ chức và hoạt động của Tổ TK&VV.
+ Nhận Giấy đề nghị vay vốn của tổ viên. Tổ chức họp các tổ viên trong Tổ để thực hiện bình xét công khai, dân chủ. Lựa chọn tổ viên đủ điều kiện vay vốn. Lập Danh sách hộ gia đình đề nghị vay vốn NHCSXH và Biên bản họp Tổ về việc bình xét cho vay. Sau đó, tập hợp các loại giấy tờ trên thành hồ sơ đề nghị vay vốn và gửi Ban giảm nghèo cấp xã họp, trình UBND cấp xã xác nhận và gửi về NHCSXH làm cơ sở để cho vay. Thông báo kết quả phê duyệt cho vay, lịch giải ngân đến từng tổ viên. Chứng kiến việc giải ngân, thu nợ, thu lãi của NHCSXH tại điểm giao dịch.
+ Tổ TK&VV được NHCSXH ủy nhiệm thu tiền lãi, thu tiền gửi của các tổ viên trong Tổ theo quy định nghiệp vụ của NHCSXH và nộp số tiền đã thu của các tổ viên trong tháng cho NHCSXH vào ngày giao dịch cố định tại xã. Trường hợp không được ủy nhiệm thu lãi, thu tiền gửi thì Tổ TK&VV có trách nhiệm đôn đốc tổ viên trực tiếp nộp lãi đầy đủ hàng tháng cho NHCSXH.
+ Tổ TK&VV phải đôn đốc người vay sử dụng tiền vay đúng mục đích; trả nợ, trả lãi đầy đủ, đúng hạn cả gốc và lãi. Tiếp nhận các thông tin từ tổ viên trong việc đề nghị trích tiền gửi để trả nợ, trả lãi cho NHCSXH cũng như các dịch vụ thanh toán khác theo quy định.
+ Tham gia, chứng kiến việc kiểm tra sử dụng vốn vay, đối chiếu nợ vay và số dư tiền gửi của các tổ viên trong Tổ khi có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đối với hoạt động của Tổ.
+ Phối hợp với cán bộ tổ chức Hội, đoàn thể, UBND cấp xã, Trưởng thôn xử lý các trường hợp nợ quá hạn, nợ bị rủi ro (nếu có), các trường hợp sử dụng vốn vay sai mục đích, trốn, chết, mất tích, rủi ro do nguyên nhân khách quan và thông báo kịp thời cho NHCSXH.
+ Lữu giữ đầy đủ hồ sơ, chứng từ của Tổ TK&VV và các giấy tờ khác liên quan đến hoạt động vay vốn của NHCSXH.
III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH TÍN DỤNG ĐANG THỰC HIỆN TẠI NHCSXH
Hiện nay, NHCSXH đang thực hiện các chương trình và dự án như sau:
1. Cho vay hộ nghèo theo Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách
Đối tượng vay vốn là hộ nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ. Hiện nay, thực hiện theo Quyết định số 59/2015/QĐ-TTg ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016 – 2020.
2. Cho vay hộ nghèo trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết  30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008.
- Phạm vi áp dụng: Hà Giang, Cao Bằng, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Bắc Giang, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên, Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Ninh Thuận, Lâm Đồng, Kon Tum.
- Đối tượng vay vốn: Là các Hộ nghèo trên các địa bàn huyện nghèo thuộc phạm vi nêu trên.
3. Cho vay hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở theo Quyết định 167 giai đoạn 2
- Đối tượng vay vốn:
+ Hộ gia đình nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 do UBND tỉnh phê duyệt.
+ Hộ gia đình nghèo có tên trong danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ nhà ở đối với hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011-2015 do UBND tỉnh phê duyệt nhưng trong trong quá trình thực hiện chính sách này đã thoát nghèo, thì vẫn được xem xét cho vay.
4. Cho vay hộ cận nghèo theo Quyết định số 15/2013/QĐ-TTg ngày 23/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ cận nghèo
Đối tượng vay vốn là hộ cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ từng thời kỳ.
5. Cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định số 28/2015/QĐ-TTg ngày 21/7/2015 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo
Đối tượng vay vốn là các hộ đã từng là Hộ nghèo, hộ Cận nghèo nay đã thoát nghèo, được UBND cấp xã xác nhận. (Thời gian thoát nghèo tính từ khi Hộ nghèo, Cận nghèo được loại ra khỏi danh sách nhưng tối đa là 03 năm).
Lưu ý: Các hộ thoát nghèo được vay vốn phải không còn dư nợ chương trình Hộ nghèo, hộ Cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn và các chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo theo các văn bản hiện hành.
6. Cho vay học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên
Đối tượng vay vốn: Học sinh sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn đang theo học tại các trường đại học (hoặc tương đương đại học), cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và tại các Cơ sở đào tạo nghề được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm: 
1. HSSV mồ côi cả cha và mẹ hoặc chỉ mồ côi cha hoặc mẹ nhưng người còn lại không có khả năng lao động.
2. HSSV là thành viên của hộ gia đình thuộc một trong các đối tượng:
- Hộ nghèo theo tiêu chuẩn quy định của pháp luật.
- Hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ gia đình nghèo theo quy định của pháp luật.
3. HSSV mà gia đình gặp khó khăn về tài chính do tai nạn, bệnh tật, thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh trong thời gian theo học có xác nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú.
4. Bộ đội xuất ngũ theo học tại các cơ sở dạy nghề thuộc Bộ Quốc phòng và cơ sở dạy nghề khác quy định tại Quyết định 121/2009/QĐ-TTg.
5. Lao động nông thôn học nghề tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề của các Bộ, ngành, tổ chức chính trị - xã hội, các cơ sở đào tạo nghề khác theo quy định tại Quyết định 1956/QĐ-TTg.
Lưu ý: Nếu các đối tượng được vay vốn, bị Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp thì được xét ưu tiên cho vay trước.
7. Cho vay hỗ trợ tạo việc, duy trì và mở rộng việc làm theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm
Đối tượng vay vốn: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh (gọi chung là cở sở sản xuất, kinh doanh) và Người lao động
8. Cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62/2004/QĐ-TTg ngày 16/4/2004 của Thủ tướng Chính phủ
Đối tượng vay vốn: Các hộ gia đình sinh sống ở nông thôn (các xã thuộc huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh).
9. Cho vay các đối tượng chính sách đi lao động có thời hạn ở nước ngoài
Đối tượng vay vốn: Người lao động thuộc hộ nghèo; Các đối tượng khác được thụ hưởng chương trình này theo quy định.
10. Cho vay hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020 theo Quyết định số 71/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ;
Đối tượng vay vốn: Là những người lao động thuộc 64 huyện nghèo và huyện được tách ra từ 64 huyện nghèo đã được tuyển chọn, có nhu cầu vay vốn để đi xuất khẩu lao động.
11.  Cho vay đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP ngày 09/7/2015 của Chính phủ về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ quốc gia về việc làm.
- Đối tượng được vay vốn:
+ Người lao động thuộc diện hộ cận nghèo theo chuẩn hộ cận nghèo được Thủ tướng Chính phủ công bố từng thời kỳ.
+ Người lao động là thân nhân của người có công với cách mạng gồm:
Thân nhân của người có công với cách mạng: Là cha đẻ, mẹ đẻ; vợ hoặc chồng; con (con đẻ, con nuôi); Thân nhân liệt sĩ còn là người có công nuôi dưỡng liệt sĩ; Người có công với cách mạng bao gồm: Người hoạt động cách mạng trước ngày 01/01/1945,  Người hoạt động cách mạng từ ngày 01/01/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, Liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến, Thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, Bệnh binh, Người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học, Người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, Người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, Người có công giúp đỡ cách mạng.
12. Cho vay đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động bị thu hồi đất theo Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg ngày 10/12/2015 của Thủ tướng Chính Phủ.
- Đối tượng vay vốn:
+ Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đã được Nhà nước giao đất nông nghiệp (Trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi.
+ Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải chuyển chỗ ở.
Riêng người lao động bị thu hồi đất thuộc huyện nghèo theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ và các quyết định khác của TTCP thực hiện theo hướng dẫn tại văn bản 2667/NHCS-TDNN ngày 21/9/2009 và các văn bản khác của Tổng Giám đốc.
13. Cho vay hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn theo Quyết định số 31/2007/QĐ-TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ
Đối tượng vay vốn: là các hộ không thuộc diện hộ nghèo thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh tại các xã thuộc vùng khó khăn theo danh mục trong Quyết định 30/2007/TTg ngày 05/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ.
14. Cho vay thương nhân hoạt động thương mại tại vùng khó khăn theo Quyết định 92/2009/QĐ-TTg ngày 08/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ
Đối tượng vay vốn: Là các Thương nhân hoạt động thương mại thường xuyên tại vùng khó khăn.
15. Cho vay hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực miền Trung theo Quyết định số 48/2014/QĐ-TTg ngày 28/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ
- Phạm vi áp dụng: 14 tỉnh, thành phố: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
- Đối tượng cho vay: Hộ gia đình nghèo có tên trong Danh sách hộ nghèo được vay vốn tại Đề án hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt do UBND cấp tỉnh phê duyệt.
16. Cho vay đối hộ gia đình và người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế, người bán dâm hoàn lương theo Quyết định số 29/2014/QĐ-TTg ngày 26/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ;
- Phạm vi và thời gian thực hiện: Từ năm 2014 - 2016 thực hiện thí điểm tại 15 tỉnh, thành phố gồm: Điện Biên, Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Đắk Lắk, Thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hậu Giang, Bạc Liêu.
- Đối tượng vay vốn:
+ Cá nhân vay vốn: Người nhiễm HIV; Người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; Người bán dâm hoàn lương.
+  Hộ gia đình vay vốn: Là hộ gia đình có thành viên thuộc một trong các trường hợp: Người nhiễm HIV/AIDS; người sau cai nghiện ma túy; người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế; người bán dâm hoàn lương.
Lưu ý: Trường hợp cá nhân, hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn chương trình này, nếu đồng thời là đối tượng được vay vốn từ các chương trình ưu đãi khác tại NHCSXH thì chỉ được xem xét cho vay vốn theo chương trình này hoặc một trong các chương trình ưu đãi khác tại NHCSXH.
17. Cho vay để ký quỹ đối với người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc
Đối tượng, điều kiện được vay để ký quỹ: Là người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình EPS và thuộc đối tượng được vay vốn để chi phí cho việc đi lao động có thời hạn ở nước ngoài theo quy định hiện hành của Chính phủ và được Tổng Giám đốc NHCSXH hướng dẫn tại các văn bản số 1034/NHCS-TD ngày 21/4/2008; 2667/NHCS-TDNN ngày 21/9/2009 và 297/NHCS-TDNN ngày 04/02/2013.
18. Cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP ngày 09/9/2015 của Chính phủ gia đoạn 2015 – 2020.
- Đối tượng được vay vốn:
+ Vay vốn trồng rừng sản xuất bao gồm: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện hoạt động trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất.
+ Vay vốn chăn nuôi trâu, bò, gia súc khác bao gồm: Hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình người Kinh nghèo đang sinh sống ổn định tại các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn (khu vực II và III) thuộc vùng dân tộc và miền núi theo tiêu chí của Thủ tướng Chính phủ quy định, có thực hiện một số hoạt động bảo vệ và phát triển rừng, gồm: bảo vệ, khoanh nuôi tái sinh rừng tự nhiên; trồng rừng sản xuất bằng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ trên đất quy hoạch phát triển rừng được Nhà nước giao đất; nhận khoán bảo về rừng.
19. Cho vay dự án “Phát triển Doanh nghiệp vừa và nhỏ” 
Đối tượng vay vốn: Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh theo Luật doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh theo pháp luật hiện hành.
20. Cho vay Dự án phát triển ngành Lâm nghiệp (WB)
Đối tượng vay vốn: Hộ gia đình tham gia trồng, chăm sóc rừng trồng của Dự án.
21. Dự án IFAD và dự án RIDP Tuyên Quang
21.1. Dự án toàn dân tham gia quản lý nguồn lực tỉnh Tuyên Quang (IFAD Tuyên Quang)
- Thời gian thực hiện dự án là 50 năm, thời gian trả nợ là 40 năm: từ 1/7/2003 đến 1/1/2043.
- Phạm vi thực hiện: tại tỉnh Tuyên Quang.
- Đối tượng được vay vốn: Là các hộ nghèo trong vùng dự án gồm Hộ nông dân, Phụ nữ lao động trong tiểu thủ công nghiệp và công nghiệp nhẹ, các hợp tác xã.
21.2. Dự án Đa dạng hóa thu nhập nông thôn tỉnh Tuyên Quang (RIDP)
- Địa bàn thực hiện dự án thực thi tại 66 xã của 5 huyện của tỉnh Tuyên Quang.
- Đối tượng được vay vốn: Là các hộ gia đình nghèo, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số và phụ nữ nghèo đang sinh sống trên địa bàn thực hiện dự án; các hộ sản xuất kinh doanh nhỏ, cơ sở cung cấp giống, vật tư tại các xã ở vùng II, III trong địa bàn dự án.
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 

                                                                                                   
 
 
 

Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè của bạn


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hội Nông dân huyện Gia Lộc
Xem bản: Desktop | Mobile