1

Thống Kê

  • Đang truy cập: 39
  • Khách viếng thăm: 38
  • Máy chủ tìm kiếm: 1
  • Hôm nay: 9114
  • Tháng hiện tại: 84105
  • Tổng lượt truy cập: 10453805

Yết Kiêu - Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu

Đăng lúc: Thứ ba - 27/02/2018 08:06 - Người đăng bài viết: admin
Yết Kiêu - Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu

Yết Kiêu - Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu

Yết Kiêu (1242-1303) là tùy tướng, gia nô trung thành, là một trong hai tướng cầm cờ tiết chế của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, người có công lớn giúp nhà Trần 3 lần đại phá quân Nguyên ở thế kỷ XIII. Với tài bơi lội “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ” đã lập nhiều công lao lớn, được vua Trần phong tặng “Trần triều hữu tướng, đệ nhất đô soái thủy quân, tước hầu”. Ông được phong là thủy tổ của Binh chủng Thủy quân.
         Về huyện Gia Lộc, cách thị trấn khoảng 3 km về phía tây, ta sẽ đến Đền Quát tại làng Quát (tức Hạ Bì xưa), xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (vốn là một làng chài ở tả ngạn sông Đáy), nơi thờ Yết Kiêu, một danh tướng tài đức song toàn, đặc biệt là tài thuỷ chiến triều Trần.
 
 Đền Quát nhìn từ trên cao 

Khu di tích Đền Quát được xếp hạng quốc gia (28-01-1989).
 

 Cây đa cổ thụ- Đền Quát
 

Nhân dân xã Yết Kiêu vui mừng  trước giờ làm Lễ dâng hương tưởng niệm danh tướng Yết Kiêu tại Đền Quát.
 
            Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, con ông Phạm Hữu Hiệu, người thôn Hạ Bì và bà Vũ Thị Duyên, người huyện Thanh Hà. Cha làm nghề chài lưới bên sông Quát (cha ông mất khi ông 8 tuổi), mẹ bán hàng nước ở bến đò. Nhà nghèo nên từ nhỏ Phạm Hữu Thế phải lăn lộn sông nước kiếm sống.
          Cuộc sống bần hàn của một gia đình ngư dân nghèo khó và sớm mồ côi cha đã khiến Phạm Hữu Thế rất vất vả, phải chài lưới, cào hến giúp mẹ kiếm ăn ngay từ nhỏ. Cuộc sống trên sông nước đã khiến ông bơi lội rất giỏi.
          Tương truyền, năm 15 tuổi, vào một buổi sáng tinh mơ, Phạm Hữu Thế ra sông gánh nước. Sương trắng mù mịt nổi khắp mặt sông, Phạm Hữu Thế thấy hai con trâu trắng húc nhau liền dùng đòn ống đánh đuổi, can ngăn. Hai con trâu biến mất, Hữu Thế thấy còn hai chiếc lông còn dính vào đòn ống, đặt xuống nước, nước rẽ ra làm đôi.

          Cho đây là lông trâu thần, ông liền nuốt vào bụng. Từ đấy, Phạm Hữu Thế có thân thể hùng cường, trí lực, bơi lội tài giỏi, đi trong nước như ở trên đất bằng vậy.
          Sự lạ lùng ấy ứng với bức hoành phi trong đền Quát “Thiên cổ dị nhân” (từ trước tới nay mới có người lạ thường như vậy). Thực ra, đây là một cách lý giải tài bơi lội của Phạm Hữu Thế để làm tăng thêm tính phi thường của ông, khẳng định tài bơi lội của ông như do thần linh mang lại.
          Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần hai và lần ba, Phạm Hữu Thế với tài bơi lội “nhập thuỷ như phúc bình địa hỹ” (đi dưới nước ung dung, tự tại như trên đất bằng) đã lập nhiều công lao lớn, được vua ban danh hiệu Trần triều đệ nhất đô soái thuỷ quân. Ông đã được nhân dân và vua quan nhà Trần gọi là Yết Kiêu (tên một loài cá lớn ngày xưa).
          Nhiệm vụ của Yết Kiêu là tìm cách đục thuyền của giặc trong đêm. Khi màn đêm buông xuống, Yết Kiêu tìm cách vượt qua hàng lính bảo vệ thuyền giặc rồi nhẹ nhàng đục thuyền giặc. Mỗi thuyền phải đục khoảng trên 20 lỗ, đục được lỗ nào lại phải dùng giẻ đã cuộn tròn và buộc dây đút lút lại. Những cuộn giẻ ấy đều được buộc lại với nhau bằng một sợi dây.
          Một đêm, Yết Kiêu đục được khoảng 30 thuyền giặc. Đến gần sáng khi đã đục đủ số thuyền đã định, Yết Kiêu liền kéo dây khiến những nút giẻ trôi ra khỏi thuyền, khiến hàng chục thuyền giặc bị đắm. Hoàn thành nhiệm vụ, ông lại nhẹ nhàng bơi về địa điểm an toàn.
          Có lần, Yết Kiêu bị vây bắt ở bãi sông. Ông núp mình dưới những bụi cây mọc lúp xúp và tránh sự lùng sục gay gắt của giặc. Chúng dùng kiếm đâm vào bụi cây, trúng đùi Yết Kiêu. Yết Kiêu cắn răng chịu đựng, khi kẻ thù rút kiếm ra, ông cố gắng chịu đau và dùng tay lau vết máu dính trên lưỡi kiếm để kẻ thù không phát hiện thấy mình...
          Sau kháng chiến chống quân Nguyên Mông thắng lợi, Bảng nhãn Lê Đỗ được triều Trần cử sang Nguyên triều đi sứ, mong nối lại hoà khí với nước mạnh hơn mình mà mang lại hoà bình cho nhân dân đất Việt. Yết Kiêu vốn là võ tướng thuỷ quân được cử làm tướng hộ vệ Lê Đỗ.
          Trong lần đi sứ ấy, vua Nguyên rất mến mộ tài năng của Yết Kiêu liền tỏ ý muốn gả công chúa Nguyên triều vốn rất xinh đẹp cho ông. Ông liền từ chối khéo và thưa rằng để trở về tâu xin vua Đại Việt, nếu vua Đại Việt đồng ý thì sẽ xin sang Nguyên triều làm lễ cưới.
          Trở về đất nước, vua quan triều Trần lo lắng sẽ mất một viên tướng tài giỏi nên không đồng ý. Công chúa Nguyên triều đợi mãi không thấy Yết Kiêu sang thì xin vua cha cho sang đất Đại Việt để làm lễ thành hôn với Yết Kiêu. Biết tin này, vua quan nhà Trần muốn ngăn cản cuộc hôn nhân, đã báo tin Yết Kiêu qua đời khi công chúa Nguyên triều mới đi đến vùng biển Quảng Đông giáp biên giới Đại Việt.
          Công chúa vô cùng thương xót Yết Kiêu, bèn thuê người tạc tượng mình thả xuôi sang nước ta, lập đàn cầu siêu cho linh hồn Yết Kiêu bên bờ biển tỉnh Quảng Đông và  cầu nguyện: “Thiếp và chàng sống trên trần thế chưa nên duyên chồng vợ, nay chàng không còn nữa, thiếp nguyện thác xuống âm phủ để gặp chàng và nên nghĩa vợ chồng”, rồi gieo mình từ đàn cầu siêu xuống biển Quảng Đông để tỏ lòng chung thuỷ. Hai võ quan và chín nàng hầu cũng nhẩy xuống biển tự vẫn để theo hầu công chúa...
           Yết Kiêu mất ngày 28 tháng Chạp năm ất Sửu (1303), hưởng thọ 61 tuổi. Khi ông mất, vua Trần cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì nơi quê ông là đền Quát. Khu đền đã trải qua hơn bẩy trăm năm, đến thế kỷ XVII - XVIII được tôn tạo khang trang và tu sửa nhiều lần vào triều Nguyễn. Trải qua những năm tháng chiến tranh, hiện vật tại Đền Quát còn lại không nhiều. Hiện vật bằng đá còn lại hai tấm bia, hai phỗng đá, hai tượng đá, hai sấu đá; hiện vật gỗ còn lại tượng Yết Kiêu và công chúa Nguyên triều, hai khán thờ và một số đồ tế tự khác như mõ cá, mõ cáo; hiện vật bằng giấy còn lại bốn sắc phong được ban tặng vào các năm: Cảnh Hưng năm thứ 44 (1783), Cảnh Thịnh năm thứ 4 (1796), Tự Đức năm thứ 6 (1853), Khải Định Năm thứ 9 (1924). Khu di tích đền Quát đã được xếp hạng Quốc gia ngày 28 tháng 1 năm 1989. Lễ hội đền Quát thường diễn ra vào rằm tháng Giêng và rằm tháng Tám. Vào dịp này, nhân dân địa phương và khách thập phương lại trở về vùng sông nước Hạ Bì, trước là lễ tạ Thành hoàng Yết Kiêu, sau là dự hội làm bánh, hội đua thuyền ...
          Trải qua những thăng trầm của lịch sử, đền Quát và những gì thuộc về Danh tướng Yết Kiêu vẫn còn đó, là tài sản vô giá và niềm tự hào không chỉ riêng của nhân dân huyện Gia Lộc mà còn là niềm tự hào chung của nhân dân tỉnh Hải Dương. Hiện tại, đền Quát đã được Uỷ ban nhân dân huyện Gia Lộc tu sửa hoàn thiện và tổ chức Lễ khánh thành vào ngày 03/10/2017, tức ngày 14/8 âm lịch năm Đinh Dậu. Kiến trúc được tu sửa theo nguyên tắc giữ nguyên kiến trúc chữ Đinh cũ, nhưng quy mô thì lớn hơn, đẹp đẽ, tinh xảo cho xứng tầm với vị thế anh hùng của một danh tướng xứ Đông xưa. Đây là việc làm thiết thực góp phần khôi phục và phát huy những giá trị văn hoá để giáo dục truyền thống, giáo dục nhân cách cho các thế hệ đời sau, cũng góp phần làm rạng rỡ quê hương Gia Lộc (Hải Dương) đã sinh ra một vị anh hùng lưu danh hậu thế.

 
Để ghi nhớ công ơn, người dân đời đời thờ phụng cụ.
 
         Lễ hội Đền Quát mùa xuân Mậu Tuất 2018 năm nay được tổ chức từ  ngày mùng 1/3 đến hết ngày mùng 4/3/2018 do UBND huyện chủ trì. Chương trình buổi lễ bao gồm: Ban Tổ chức và Ban Quản lý Di tích Đền Quát làm Lễ mở cửa Đền; Lễ cáo yết; Lễ mộc dục vào ngày thứ năm ngày mùng 1/3/2018, tức ngày 14 tháng giêng năm Mậu Tuất; Chương trình buổi Lễ chính bắt đầu từ 7h30 ngày thứ sáu, mùng 2/3/2018, tức ngày 15 tháng giêng năm Mậu Tuất, tại khu Di tích lịch sử văn hóa Quốc gia Đền Quát, thôn Hạ Bì xã Yết Kiêu huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương; Gồm các nội dung : Lễ dâng hương và khai hội ; Biểu diễn thi đấu cờ người; Biểu diễn hát văn, tổ chức các trò chơi dân gian ; Liên hoan Pháo đất huyện năm 2018 ; Tế lễ của các đội Tế nữ xã Yết Kiêu ; Các hoạt động văn hóa khác ;
      Ngày 3/3/2018, tức ngày 16 tháng giêng năm Mậu Tuất diễn ra giải võ cổ truyền của huyện năm 2018, biểu diễn hát văn và các trò chơi dân gian tại khu di tích ;
      Ngày mùng 4/3/2018, tức ngày 17 tháng giêng năm Mậu Tuất tổ chức giải cờ tướng toàn huyện năm 2018, biểu diễn hát văn và các trò chơi dân gian khác ; Tiếp tục các hoạt động tế lễ, tham quan tại khu di tích Đền Quát và kết thúc Lễ hội. 
       

Đua thuyền chải ở Lễ hội đền Quát
                   
Sưu tầm và biên soạn: Nguyễn Văn Trung – Phó Chủ tịch HND huyện.
Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Gia Lộc
 

Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè của bạn


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hội Nông dân huyện Gia Lộc
Xem bản: Desktop | Mobile