Từ chuyện dân trùm ni lông đi ngủ
5 tháng trước, chiều 1/11/2016 tại Hà Nội, trước những lo ngại của dư luận về dự án sản xuất giấy bao bì của công ty sản xuất giấy Lee Man Việt Nam tại Hậu Giang, ông Patrick Chung, tổng giám đốc điều hành công ty này, hùng hồn tuyên bố trước báo giới, rằng: "Chúng tôi đang sử dụng hệ thống xử lý nước thải “hiện đại bậc nhất”.
“Tôi thoải mái công bố nhà máy của chúng tôi tuyệt đối an toàn với môi trường”, ông Chung tự tin.
Không phải chờ đợi quá lâu, chỉ 5 tháng sau, lời tuyên bố của Lee Man đã được kiểm chứng. Tổ hợp nhà máy mà ông Patrick Chung cho là “tuyệt đối an toàn với môi trường” ngay khi vận hành thử nghiệm đã khiến người dân xung quanh phải lâm cảnh “trùm túi ni lông đi ngủ” vì ô nhiễm bụi, tiếng ồn, mùi hôi thối.
Một dự án giấy khác bên bờ sông Tiền của một công ty Đài Loan nữa cũng đang gây nhức nhối dư luận, đó là Dự án nhà máy giấy Đại Dương được UBND tỉnh Tiền Giang cấp Giấy chứng nhận đầu tư năm 2016, với tổng vốn đầu tư gần 5.000 tỷ đồng.
Dư luận lo ngại dự án sẽ gây ô nhiễm cho sông Tiền và vùng phụ cận. Nhiều nhà khoa học được tham vấn đều khuyến nghị Tiền Giang nên cẩn trọng, thậm chí khuyến cáo nên từ chối, không thể để nhà đầu tư đặt vào "chuyện đã rồi”, đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng “không đánh đổi môi trường lấy dự án kinh tế”.
Qua tìm hiểu của Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công Thương), nhà máy dự kiến sản xuất giấy duplex, song việc này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường do dùng giấy đã qua sử dụng làm nguyên liệu sản xuất. Vì vậy, cơ quan này cho rằng: “Lo ngại của các nhà khoa học và người dân về ô nhiễm môi trường đối với dự án là có cơ sở”.
Không phải khi dân trùm ni lông đi ngủ thì tiếng kêu về môi trường mới thảng thốt đến thế. Đã quá nhiều bài học trong quá trình phát triển kinh tế của Việt Nam khiến môi trường bị bóp nghẹt. Câu chuyện của Vedan 10 năm trước và của Formosa Hà Tĩnh tròn 1 năm nay vẫn còn dai dẳng đến giờ.
Nhìn lại, chúng ta đã thay đổi được những gì sau mỗi lần rút kinh nghiệm? Công nghiệp chủ lực của Việt Nam vẫn xoay quanh than, dầu, xi măng, sắt thép, nhiệt điện, hóa chất, dệt sợi nhuộm,... với sự góp mặt của đủ thành phần kinh tế: DN nhà nước, DN tư nhân, và DN có vốn nước ngoài. Sự nổi lên của ngành công nghiệp "cao cấp hơn" như điện tử vẫn là “sân chơi” của một vài tên tuổi như Samsung, LG, Intel,...
Có chuyên gia của Đại học Kinh tế Quốc dân từng chua chát nói rằng, với đà phát triển công nghiệp kiểu này, Việt Nam sẽ sớm vượt Trung Quốc, nhưng là vượt về mức độ ô nhiễm môi trường.
Đáng nói, đến nay, Trung Quốc đang muốn sản xuất “sạch” hơn, không tập trung vào ngành gây ô nhiễm, mà mạnh tay đầu tư cho hàng không vũ trụ, robot cao cấp, công nghệ thông tin thế hệ mới,...
TS Lương Văn Khôi, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cảnh báo Việt Nam phải theo dõi sát sao nếu không muốn thành bãi thải công nghệ của nước khác.
Nỗi lo bị liệt vào top 10 ô nhiễm
Trung Quốc đang thay đổi, Việt Nam thì sao? Một nghiên cứu của Hội Kinh tế Việt Nam do GS. Nguyễn Quang Thái và TS. Bùi Trinh vừa thực hiện chỉ ra rằng, thực tế ở Việt Nam vẫn lấy tăng trưởng và cấu trúc ngành với thứ tự ưu tiên là công nghiệp đứng đầu, dịch vụ, nông nghiệp theo sau mà chưa tính hết tác động tới môi trường, chuyện nợ nần,...
Công nhân làm việc trong một nhà máy thép. Ảnh: L.Bằng
Nếu tiếp tục tăng trưởng bình quân 6,5-7% và cấu trúc kinh tế thiên về công nghiệp (khai thác và chế biến chế tạo) như lâu nay, thì tình hình phát thải khí của Việt Nam sẽ ra sao và cấu trúc kinh tế sẽ thế nào?
Các chuyên gia đã tính toán lượng chất thải dựa trên 2 kịch bản để ra được con số ước lượng.
Kịch bản 1 là tăng trưởng bình quân GDP hàng năm từ 2012-2020 là 6,5% và cấu trúc giá trị gia tăng nông nghiệp đến năm 2020 giảm 15%, công nghiệp và dịch vụ 85% (công nghiệp: 40%; dịch vụ: 45%). Khi đó, khối lượng chất thải CO2 tăng từ 139 triệu tấn năm 2010 lên 263 triệu tấn năm 2020 và tổng số chất thải khí tăng từ 268 triệu tấn lên 480 triệu tấn năm 2020. Tăng bình quân về CO2 là 6,8%.
Còn kịch bản 2, cơ cấu nông nghiệp giảm xuống 10%, công nghiệp và dịch vụ 90% (công nghiệp 45%; dịch vụ: 45%). Ở kịch bản này, lượng chất thải CO2 đến năm 2020 từ sản xuất ước tính là 288 triệu tấn, và tổng chất thải khí là 491 triệu tấn.
Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra nhận xét: Cấu trúc công nghiệp trong GDP càng tăng thì hiểm họa về môi trường càng cận kề. Nếu tính cả chất thải khí từ tiêu dùng (khoảng 30 triệu tấn ước tính đến năm 2020) trong cả 2 kịch bản tổng lượng khí nhà kính trên 500 triệu tấn.
Kết quả cũng cho thấy, khu vực công nghiệp không những kém hiệu quả hơn khu vực nông nghiệp, dịch vụ mà còn là khu vực thải ra nhiều chất CO2 ra môi trường nhất.
Trao đổi với PV từ kết quả nghiên cứu này, chuyên gia kinh tế Bùi Trinh khẳng định: Như vậy, nếu Việt Nam chỉ cố gắng phấn đấu tăng trưởng cao mà không tính đến thay đổi cấu trúc trong nội tại mỗi ngành và cơ cấu ngành trong tổng giá trị gia tăng, thì đến năm 2035, Việt Nam sẽ vào top 10 thế giới về ô nhiễm .
Lời cảnh báo ấy của các chuyên gia, chắc hẳn không thể nào xem nhẹ!
Theo Lương Bằng
VietnamNet
thay đổi, kinh tế, nguy cơ, thế giới, ô nhiễm, chuyên gia, cảnh báo, phát triển, công nghiệp, hiện nay, mức độ
Ý kiến bạn đọc