1

Thống Kê

  • Đang truy cập: 191
  • Hôm nay: 9927
  • Tháng hiện tại: 175390
  • Tổng lượt truy cập: 12581123

MỘT SỐ SÂU BỆNH HẠI CHÍNH TRÊN LÚA VÀ BIỆN PHÁP PHÒNG TRỪ

Đăng lúc: Thứ năm - 02/02/2017 21:43 - Người đăng bài viết: admin
Do có những diễn biến bất thường của thời tiết vừa qua đã gây ảnh hưởng lớn tới sản xuất nông nghiệp, đây là điều kiện thuận lợi cho một số đối tượng sâu bệnh hại phát sinh gây hại trên lúa vụ xuân. Để kịp thời ngăn chặn và chủ động phòng trừ, hạn chế thấp nhất do sâu bệnh gây ra cho cây lúa

 

Bệnh vàng lá do vi khuẩn

Đây là bệnh thường gặp vào giai đoạn lúa đang đẻ nhánh. Các ruộng sâu, có nước ngập cao thường gặp bệnh này. Các ruộng có dùng nước để che chắn rầy nâu cũng rất dễ mắc bệnh vàng lá do vi khuẩn.

Ruộng lúa bắt đầu bị vàng từng chòm ở những nơi trũng, hoặc dọc theo mương. Sau đó bệnh lan ra rất nhanh vào những ngày có mưa hoặc sau những ngày đi bón phân hoặc phun thuốc.

Bệnh bắt đầu từ đọt lá lan dần xuống. Vết bệnh có màu vàng hơi xỉn màu và có các vệt nâu nhạt chạy dọc theo gân lá.

Cách trị bệnh: 
- Tháo hết nước ra khỏi ruộng. Sau đó chỉ giữ cho mặt đất đủ ẩm hoặc nước lấp xấp mặt đất thôi.
- Phun nước vôi lên lá lúa. Nếu bệnh nhẹ, chỉ cần phun một lần. Nếu bệnh đã nặng thì phải phun ít nhất 2 lần cách nhau 3 – 5 ngày. Nếu trời mưa nhiều phun cách nhau 3 ngày/lần. Nếu trời ráo, ít mưa thì cách nhau 5 ngày/lần.
- Nên sử dụng loại vôi quét vách tường dạng vôi cục, khi ngâm nước thì nóng hoặc sôi lên. Ngâm vôi 1 buổi hoặc qua đêm, quậy lên, xong để lắng xuống, lấy nước trong để phun.
- Pha vôi với liều lượng sau: 1,5 kg vôi/16 lít nước. Có thể pha vôi đậm để làm nước cốt rồi mang ra ruộng pha thêm với nước cho đạt liều lượng này để phun.

Bệnh lép vàng do vi khuẩn

Bệnh xảy ra sau khi lúa trổ bông xong, lúc lúa đang ngậm sữa hoặc đang vào chắc. Các hạt nặng oằn xuống trong khi hạt lép nhẹ còn đứng sửng trên bông. Nếu tách hạt lúa bị lép vàng sẽ thấy hạt gạo bên trong bị thúi đen và không phát triển (Hình 2).

Bệnh thường xảy ra dọc theo lối đi, theo bờ đê hoặc theo lối đi phun thuốc trong ruộng. Bệnh lây lan rất nhanh, đôi khi làm giảm năng suất rất đáng kể.

Cách trị bệnh: Phun vôi ngay khi phát hiện ra có bệnh trên ruộng lúa. Nên phun 2 lần cách nhau 3 ngày. (Liều lượng và cách pha vôi xem ở bệnh vàng lá do vi khuẩn)

Ở những ruộng đã có bệnh lép vàng trong những năm trước, nên phun vôi phòng ngừa vào lúc lúa trổ đòng lẹt xẹt.

Bệnh cháy bìa lá

Bệnh thường xảy ra trên các giống lúa nhiễm bệnh. Giống lúa Jasmin 85 và các giống lúa thơm là giống nhiễm bệnh này.

Bệnh có thể xuất hiện ngay trong đoạn đẻ nhánh của ruộng lúa. Tuy nhiên thường gặp nhất là bệnh bắt đầu xuất hiện khi ruộng lúa được 40 – 50 ngày tuổi.

Bệnh gây nên những vết cháy có màu xám, hoặc vàng nâu hoặc nâu đỏ, dọc theo hai bên rìa lá. Vết bệnh lan dần xuống phía dưới lá và lan dần vào gân chính của lá lúa.

Bệnh lây lan rất nhanh sau khi lúa trổ và có thể gây thiệt hại rất nặng.

Đây là bệnh rất khó trị vì chưa có loại thuốc trị dứt hẳn bệnh được. Do đó cần theo dõi ruộng để phát hiện ra bệnh càng sớm thì biện pháp đối phó càng có hiệu quả cao.

Nếu phát hiện ra bệnh sớm, chỉ cần phun vôi 2 hoặc 3 lần (tùy bệnh nặng nhẹ), cách nhau 5 ngày là có thể làm chậm sự phát triển của bệnh, giúp ruộng lúa ít bị ảnh hưởng đến năng suất. Nếu trồng giống nhiễm nặng nên phun vôi ngừa bệnh vào 40 – 50 ngày sau sạ.

1. Rầy nâu, rầy lưng trắng: Thường phát triển mạnh trong điều kiện vụ xuân, rầy thường phát sinh 2 đợt. Đợt 1 phát sinh gây hại ở giai đoạn lúa đẻ nhánh đến đứng cái(từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 4) trên các giống lúa đang được cấy chủ yếu ở Lào Cai như Nhị ưu 838, LC 212, LC 25, LC 270, Bắc thơm, Hương thơm, D.ưu 527, ở giai đoạn này rầy thường phát sinh thành từng ổ. Đợt 2 gây hại từ giai đoạn lúa làm đòng trở đi, ở đợt này phạm vi mức độ gây hại của rầy thường lớn nên dễ gây ra hiện tượng cháy rầy do đó cần tập trung theo dõi chặt chẽ diễn biến của đợt rầy này để phòng trừ kịp thời mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên sự xuất hiện của rầy non còn phụ thuộc vào điều kiện thời tiết. Nếu ở những huyện do điều kiện chăm sóc, hạn hán không có nước tưới nên rầy có thể gây cháy ngay từ giai đoạn lúa đứng cái làm đồng.

* Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên thăm đồng để phát hiện sớm để phát hiện các ổ rầy để tổ chức chỉ đạo nông dân phòng trừ sớm khi rầy đang ở diện hẹp. Phòng trừ kịp thời bằng các loại thuốc đặc hiệu trên các diện tích có mật độ rầy có mật độ từ 1000 con/ m2 trở lên(đối với giai đoạn lúa đẻ nhánh ) và 1500 con/ m2 (đối với lúa làm đòng - trỗ trở đi), tranh để rầy phát sinh lây lan ra diện rộng. Dùng một số đặc hiệu để trừ rầy như Actara 25WG, Oshin 20WPA, Chees 50WG, Sutin 5EC. (Khi phun không cần rẽ lúa). Các loại thuốc Bassa 50EC, Bassan 50EC, Nibas 50EC…(khi phun cần phải rẽ lúa thành băng và phun đều vào phần thân, gốc lúa).

Lưu ý: Khi mật độ rầy cao, rầy tuổi lớn nhiều, đặc biệt vào giai đoạn lúa trỗ - chín bộ lá hấp thu kém vì vây để trừ rầy có hiệu quả cần hỗn hợp một trong các loại thuốc có tác dụng lưu dẫn như: HOnest 54EC, Actara 25WG, Chees 50WG, Oshin 20WP, Alika 247SC…cùng với một trong các loại thuốc như Bassa 50EC, Bassan 50EC, Nibas 50EC cần phun ướt đều vào thân, gốc lúa mới có hiệu quả trừ rầy.

2. Sâu cuốn lá nhỏ: Trong điều kiện vụ xuân sâu thường phát sinh 2 lứa. Lứa 1 phát sinh gây hại vào thời kỳ lúa đẻ nhánh, lứa 2 phát sinh gây hại từ giai đoạn lúa đứng cái làm đòng, trỗ. Đây là lứa sâu thường có mật độ cao, hại trên lá đòng gây ảnh hưởng lớn đến sinh trưởng, phát triển và năng suất cây lúa và đặc biệt trong thời tiết khí hậu nắng mưa xen kẽ.

*Biện pháp phòng trừ: Thường xuyên thăm đồng để phát hiện và phòng trừ kịp thời khi sâu còn ở tuổi nhỏ. Với những diện tích có mật độ sâu non từ 30 con/m2 trở lên(đối với giai đoạn lúa đẻ nhanh) và 20 con/m2 trở lên (đối với giai đoạn lúa làm đòng - trỗ) cần được tiến hành phun phòng trừ ngay bằng các loại thuốc đặc hiệu như Homecyin 1.9EC, Hugo 95SP, Regent 800WG, Padan 95SP, Ammate 150SC, Rambo 800WG, Rigell 800WG, Sát trùng đan 90 BTN… Phun theo liều lượng khuyến cáo.

3. Sâu đục thân bướm 2 chấm: Trong điều kiện vụ xuân sâu thường phát sinh 2 lứa. sâu non lứa 1 gây dảnh héo ở giai đoạn lúa đẻ nhánh, tuy nhiên tác hại của sâu lứa 1 thường thấp song đây là nguồn sâu cho lứa 2. Sâu lứa 2 thường phát sinh từ trung tuần tháng 4 đến trung tuần háng 5, trùng với thời gian lúa xuân ôm đòng - trỗ là giai đoạn mẫn cảm đối với sâu nên khi có mật độ cao sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng đến năng suất lúa. Chính vì thế cần tập trung theo dõi và phòng trừ tốt lứa sâu này.

*Biện pháp phòng trừ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu trên đồng ruộng, xác định chính xác thời gian bướm ra rộ, đặc biệt là vào giai đoạn lúa đứng cái – làm đòng - trỗ(đầu tháng 4 đến đầu tháng 5). Khi có mật độ ổ trứng từ 0,3 ổ/m2 trở lên cần được tổ chức phòng trừ bằng các loại thuốc như Hugo 95SP, Regent 800WG, Padan 95SP, Virtako 40WG, Rigell 800WG, Sát trùng đan 90BTN… theo liều lượng khuyến cáo. Đối với những diện tích có mật độ cao(từ 0,5 - 1 ổ trứng/m2 ) cần phải phun kép 2 lần cách nhau khoảng 5 ngày với cho hiệu quả cao.

4. Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và bệnh lùn sọc đen.

a. Bệnh vàng lùn

Lá lúa chuyển từ màu xanh sang màu vàng nhạt, vàng da cam ròi vàng khô. Các lá già phía dưới bị vàng trước, lần lượt đến các lá non bên trên. Vết vàng bắt đầu từ chóp lá lan dần vào trong phiến lá đến bẹ lá. Cây lúa bị bệnh có khuynh hướng xoà ngang. Cây lúa bị bệnh sẽ giảm chiều cao và khả năng đẻ nhánh giảm nên số dảnh trong một khóm lúa bị bệnh ít hơn khóm lúa khoẻ.Khi cây lúa bị bệnh ở giai đoạn còn non, lúa sẽ phát triển kém, không trỗ bông, năng suất bị giảm nghiêm trọng hoặc có nguy cơ bị mất trắng. cây lúa bị bệnh mang virus đến khi lúa chín, gặt; lúa chét mọc lên từ gốc rạ cả bụi lúa bệnh cũng mang virus.

b. Bệnh lùn xoắn lá

Bệnh thể hiện nhiều triệu chứng khác nhau như: cây bị lùn, lá bị rách, đẻ nhánh ở các đốt thân bên trên, nghẹn đòng không trỗ được.

Đặc điểm điển hình của bệnh trên các giống lúa là cả bụi lúa vẫn xanh, nhưng cây bị thấp lùn, có những lá bị xoăn nhiều vòng theo hình xoắn ốc hoặc lò xo, trỗ bông muộn và không thoát.Lá lúa có thể chỉ bị xoăn ở phần đỉnh lá, hoặc bị xoăn tít cả phiến lá. Ngoài hiện tượng xoăn, trên lá còn gặp những biểu hiện khác ít phổ biến hơn như mép lá bị rách thành những đoạn nhỏ hình chữ V hoặc hình răng cưa, sọc trắng dọc theo mép lá, lá non bị nhợt màu, gần ở phần bẹ lá bị sưng từng đoạn ngắn và biến màu. Vào cuối kỳ sinh trưởng bệnh thường tồn tại lâu trên ruộng, láu chét mọc từ gốc rạ của lúa bệnh vẫn tiếp tục bị bệnh. Trong các triệu chứng trên, biểu hiện lùn cây xoắn lá là phổ biến và ổn định hơn cả.

Khi lúa bị bệnh ở giai đoạn đẻ nhánh chiều cao cây giảm 40%, chiều dài lá giảm tới 50%, rễ lúa bị bệnh ngắn hơn rễ lúa khoẻ; trong các khóm lúa bị bệnh, tỷ lệ bông không trỗ thoát được khoảng 20-80% và tỷ lệ hạt lép tới 18-84%, năng suất lúa bị giảm nghiêm trọng.

Có trường hợp trên cây lúa xuất hiện cả 2 triệu chứng vàng lùn và lùn xoắn lá.

c. Bệnh lùn sọc đen.

Cây lúa bị bệnh có triệu chứng chung là thấp lùn, lá xanh đậm hơn bình thường. Lá lúa bị bệnh có thể xoăn ở đầu lá hoặc toàn bộ lá. Gân lá ở mặt sau bị sưng lên. Khi cây còn non gân chính trên bẹ lá cũng bị sưng phồng. Từ giai đoạn làm đòng và khi lúa có lóng, cây bị bệnh thường nẩy chồi trên đốt thân và mọc nhiều rễ bất định. Trên bẹ và lóng thân xuất hiện nhiều u sáp và sọc đen. Cây lúa bị bệnh nặng không trỗ bông được hoặc trỗ bông không thoát và hạt thường bị đen.

*Đặc điểm lây lan và phát triển

Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá do virus gây bênh lúa cỏ (Rice Grassy Stunt Virus) kết hợp với virus gây bệnh lùn xoắn lá (Rice Ragged Stunt Virus) gây ra.Rầy nâu Nilaparvata lugens là môi giới truyền các bệnh trên. Rầy nâu chích hút cây lúa bị bệnh trong thời gian 5-10 phút là mang mầm bệnh trong cơ thể. Thời gian ủ bệnh virus trong cơ thể rầy từ 23-33 ngày (trung bình từ 9-10 ngày) rầy có khả năng truyền bệnh cho cây lúa khoẻ. Thời gian chích hút càng kéo dài khả năng truyền bệnh càng cao. Sau khi mang nguồn virus, rầy nâu có thể kéo dài khả năng truyền bệnh đến khi chết. Qua các lần lột xác, rầy nâu không mất khả năng truyền bệnh, nhưng virus không truyền qua trứng; Triệu chứng bệnh biểu hiện rõ rệt sau khi cây lúa bị bệnh 2-3 tuần. Virus gây bệnh tồn tại trong gốc rạ, lúa chét, không truyền qua hạt giống, đất, nước và không khí.

*Biện pháp phòng trừ

Bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá và lùn sọc đen gây hại cho cây lúa cho đến nay chưa có thuốc đặc trị, vì vậy biện pháp đầu tiên là phòng bệnh, bao gồm: (1)Thực hiện triệt để các biện pháp phòng trừ rầy nâu, rầy lưng trắng, rầy nâu nhỏ; (2)Áp dụng các biện pháp canh tác đồng bộ để tạo cây lúa khoẻ nhất là giai đoạn trước trỗ để gia tăng sức đề kháng của cây; (3)Tiêu huỷ nguồn bệnh trên đồng ruộng, cụ thể ở giai đoạn lúa còn non: nếu ruộng lúa bị nhiễm bệnh nặng (trên 20% số khóm bị bệnh) thì phải tiêu huỷ tiêu huỷ ngay bằng cách cày, bừa cả ruộng để diệt mầm bệnh; trước khi cày vùi phải phun thuốc trừ rầy nâu để tránh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác; nếu bị nhiễm nhẹ (rải rác, dưới 20% số khóm bị bệnh) thì phải nhổ bỏ cây bệnh và vùi xuống ruộng, không bỏ tràn lan trên bờ; Giai đoạn lúa sau cấy trên 40 ngày thường xuyên thăm đồng và nhổ, vùi bỏ bụi lúa bệnh; đồng thời nếu phát hiện rầy cám thì phải phun thuốc trừ rầy. Nếu ruộng lúa bị bệnh qua nặng thì tiêu huỷ bằng cách cày, bừa cả ruộng; trước khi cày, bừa phải phun thuốc trừ rầy nếu có rầy trên lúa đẻ nhánh phát tán truyền bệnh sang ruộng khác.

5. Bệnh đạo ôn: Đây là một trong những bệnh hại nguy hiểm trên cây lúa, bệnh có thể phát sinh gây hại ngay từ trên ruộng mạ. Bệnh đạo ôn thường phát sinh gây hại nặng từ giai đoạn lúa đẻ nhánh rộ trở đi. Trong trường hợp đầu vụ thời tiết nắng ấm, lúa sinh trưởng nhanh bệnh có thể phát sinh sớm ngay từ giữa tháng 2 cao điểm từ cuối tháng 3 trở đi, ở giai đoạn này nếu gặp điều kiện ẩm độ cao, thời tiết âm u, lúa sinh trưởng nhanh bệnh có thể phát sinh sớm ngay từ cuối tháng 2, cao điểm từ cuối tháng 3 trở đi, ở giai đoạn này nếu gặp điều kiện ẩm độ cao, thời tiết âm u, sương mù… bệnh sẽ phát sinh, lây lan nhanh trên diện rộng và có thể gây cháy lụi nếu không được phòng trừ kịp thời. Một số giống nhiễm như nhị ưu 838, D.ưu 527, Hương thơm, Bắc thơm …thường bị gây hại nặng trên những diện tích gieo cấy dầy, hay bón nhiều đạm…bệnh gây hại nặng hơn các diện tích khác. Bệnh đạo ôn cổ bông phát sinh và mức độ gây hại phụ thuộc với điều kiện thời tiết vào giai đoạn lúa ôm đòng, trỗ(giữa tháng 4 đến đầu tháng 5 nếu gặp điều kiện thời tiết thuận lợi(ẩm độ cao, mưa kéo dài..), bệnh sẽ gây hại nặng nên phải phun phòng trên những diện tích này. Trong điều kiện trời nắng, ẩm độ thấp thì sự gây hại của bệnh không có ý nghĩa.

*Biện pháp phòng trừ:

- Đối với bệnh đạo ôn lá: Trên các ruộng mạ nếu bị bệnh cần xử lý bằng thuốc đặc hiệu trước khi nhổ cấy từ 5 -7 ngày. Trên ruộng lúa từ giai đoạn đẻ nhánh trở đi cần tập trung, điều tra để phát hiện( đặc biệt chú ý trên các giống nhiễm) khi có tỷ lệ bệnh từ 3 – 5% số lá bị bệnh, điều kiện thời tiết(trời âm u, ẩm độ cao…) cần giữ đủ nước trên ruộng, tạm thời dừng bón thúc đạm và tiến hành phòng trừ ngay bằng một trong các loại thuốc như: Hobine 75WP, Fuji one 40WP, Beam 75WP, Flash 75WP, Bump 650WP, Kasai 16,2 SC, 21,2WP … theo liều lượng khuyến cáo

- Đối với đạo ôn cổ bông: Vào giai đoạn lúa ôm đòng trỗ cần được theo dõi chặt chẽ diễn biến điều kiện thời tiết, nếu điều kiện thời tiết thuận lợi đối với bệnh như ( ẩm độ cao, mưa kéo dài, trời âm u…) cần tiến hành phun phòng 2 lần trước và sau trỗ 7 ngày bằng các loại thuốc đặc hiệu như đối với đạo ôn lá. Đặc biệt lưu ý đối với những ruộng đã nhiễm đạo ôn lá.

6. Bệnh khô vằn: Là đối tượng gây hại thường xuyên trên ruộng, bệnh gây hại trên tất cả các giống, các trà lúa. Bệnh gây hại từ giai đoạn lúa cuối đẻ nhánh trở đi, cao điểm từ khi lúa ôm đòng trỗ đến đỏ đuôi, đặc biệt là trên các diện tích thâm canh không cân đối như cấy dày, bón nhiều đạm.

*Biện pháp phòng trừ: Tập trung chỉ đạo thực hiện đúng quy trình kỹ thuật ngay từ đầu như: Gieo cấy đúng mật độ, bón phân cân đối, hợp lý… Từ giai đoạn lúa đứng cái trở đi, cần chú ý điều tra phát hiện, khi thấy tỷ lệ bệnh từ 5 – 7% số dảnh bị bệnh trở lên cần sử dụng một trong các loại thuốc để phun như: Pink Vali 50WP, Validacin 3-5LViviAWP, Jinggangmeisu 5-10WP…để phun trừ trong điều kiện bệnh phát sinh nhẹ và gây hại muộn(vào thời kỳ ôm đòng trỗ trở đi) có thể sử dụng các loại thuốc Daric 300SC, Anvil 5SC, Tiltsuper 300ND…để phòng trừ đồng thời bệnh khô vằn và bệnh đen lép hạt, thối thân, thối bẹ.

7. Bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn: Ở vụ xuân bệnh thường phát sinh và gây hại giai đoạn cuối vụ. đặc biệt sau những cơn giông đầu mùa, kèm theo gió lớn vào thời kỳ lúa làm đòng đến trỗ - chín là điều kiện thuận lợi cho bệnh phát sinh lây lan nhanh gây hại nặng trên các giống lúa lai, những chân ruộng sâu, ruộng bón phân không cân đối, bón nhiều đạm…

*Biện pháp phòng trừ: Hiện tại chưa có thuốc đặc hiệu để trừ bệnh, do vây để hạn chế tác hại của bệnh cần thực hiện đúng các quy trình kỹ thuật như bón phân cân đối ngay từ đầu vụ, không bón thúc đạm quá muộn, chủ động phun phòng sớm khi bệnh chớm xuất hiện bằng một trong các loại thuốc như: Sasa 20WP, Kasumin 2L, Xanthomix 20WP…theo liều lượng khuyến cáo.

 

TheoWebCtyCPHocMon


Hãy chia sẻ với người thân và bạn bè của bạn


Đánh giá bài viết
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
 

Hội Nông dân huyện Gia Lộc
Xem bản: Desktop | Mobile