HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
* |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
|
Số 213 - HD/HNDTW |
Hà Nội, ngày 27 tháng 03 năm 2017 |
HƯỚNG DẪN
Tổ chức đại hội điểm các cấp nhiệm kỳ 2018 - 2023
Thực hiện Chỉ thị số 08 - CT/TW, ngày 02 tháng 11 năm 2016 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về lãnh đạo đại hội hội nông dân các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 – 2023; căn cứ Điều lệ và Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội Nông dân Việt Nam; Kế hoạch số 190 - KH/HNDTW, ngày 12/01/2017 của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về tổ chức đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018-2023, Ban Thường vụ Trung ương Hội hướng dẫn tổ chức đại hội điểm như sau:
I. MỤC ĐÍCH YÊU CẦU
- Thông qua việc chỉ đạo đại hội điểm nhằm giúp cho các cấp Hội rút ra những kinh nghiệm và thống nhất trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo đại hội Hội Nông dân các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII.
- Đại hội là dịp để các cấp Hội tổng kết, đánh giá, học tập, nhân rộng được nhiều mô hình mới, cách làm hay trong công tác Hội và phong trào nông dân.
- Việc chuẩn bị nội dung, nhân sự, chương trình đại hội và quá trình điều hành tổ chức đại hội điểm Hội Nông dân tại các đơn vị đảm bảo quy trình, nguyên tắc, nghiêm túc, trang trọng và an toàn, tiết kiệm.
- Đơn vị được chọn làm điểm phải mang tính đại diện cho từng vùng, từng khu vực trong tỉnh và trong huyện.
II. CHỌN ĐIỂM CHỈ ĐẠO ĐẠI HỘI
1. Điểm chỉ đạo của Trung ương: Ban Thường vụ Trung ương Hội lựa chọn 03 tỉnh chỉ đạo đại hội điểm ở 03 khu vực. Cụ thể như sau:
- Khu vực miền Bắc (gồm 25 tỉnh phía Bắc đến Ninh Bình): Chọn Hội Nông dân tỉnh Bắc Ninh.
- Khu vực miền Trung và Tây Nguyên (gồm 18 tỉnh từ Thanh Hóa đến Ninh Thuận): Chọn Hội Nông dân tỉnh Khánh Hòa.
- Khu vực miền Nam (gồm 20 tỉnh miền Đông và Tây Nam bộ): Chọn Hội Nông dân tỉnh An Giang.
2. Điểm chỉ đạo của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố: Chọn 01 huyện để chỉ đạo đại hội điểm. Đối với những tỉnh có số lượng đơn vị cấp huyện nhiều, địa bàn rộng, đi lại khó khăn có thể chọn 02 đơn vị chỉ đạo đại hội điểm.
3. Điểm chỉ đạo của Hội Nông dân cấp huyện: Chọn 01 xã chỉ đạo đại hội điểm theo kế hoạch, hướng dẫn của Hội Nông dân cấp tỉnh.
Lưu ý: Các đơn vị lựa chọn chỉ đạo đại hội điểm cần đảm bảo các yêu cầu và điều kiện sau: Được sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền; đội ngũ cán bộ chủ chốt có kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm; là đơn vị luôn vững mạnh trong công tác Hội và phong trào nông dân; địa bàn thuận lợi cho các đơn vị đi lại.
III. THỜI GIAN THỰC HIỆN
- Cấp huyện chỉ đạo đại hội điểm hoàn thành trong tháng 01/2018.
- Cấp tỉnh chỉ đạo đại hội điểm hoàn thành trong tháng 4/2018.
- Cấp trung ương chỉ đạo đại hội điểm hoàn thành trong tháng 7/2018.
IV. CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
1. Bước 1
- Xây dựng kế hoạch, thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ chỉ đạo đại hội điểm.
- Làm việc với cấp ủy địa phương được chọn chỉ đạo đại hội điểm để thống nhất về chủ trương, kế hoạch tổ chức đại hội điểm.
2. Bước 2
Ban chỉ đạo (hoặc Tổ chỉ đạo) đại hội điểm hướng dẫn đơn vị được chọn làm điểm chuẩn bị nội dung đại hội; quy trình nhân sự; công tác tuyên truyền và điều kiện cơ sở vật chất, kinh phí để tổ chức đại hội.
3. Bước 3
Đơn vị được chọn làm điểm báo cáo Ban chỉ đạo (Tổ chỉ đạo) đại hội điểm; báo cáo cấp ủy Đảng cùng cấp và Hội cấp trên trực tiếp để duyệt nội dung, nhân sự và kiểm tra công tác chuẩn bị đại hội.
4. Bước 4: Tổ chức đại hội điểm.
5. Bước 5: Rút kinh nghiệm chỉ đạo điểm và triển khai ra diện rộng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Thành lập Ban chỉ đạo hoặc Tổ chỉ đạo đại hội điểm từ 5 - 7 đồng chí:
a. Cấp Trung ương và cấp tỉnh gồm đại diện Thường trực, Ban Tổ chức, Kiểm tra, Tuyên huấn, Văn phòng, đồng chí thường vụ phụ trách cụm và chủ tịch Hội Nông dân nơi chọn làm điểm.
b. Cấp huyện gồm thường trực, một số cán bộ chuyên trách, thường vụ phụ trách cụm và chủ tịch Hội Nông dân xã chọn đại hội điểm.
2. Xây dựng Kế hoạch chỉ đạo đại hội điểm của từng cấp; làm việc với cấp ủy địa phương và ban thường vụ Hội Nông dân đơn vị được chọn đại hội điểm; báo cáo kế hoạch về Hội cấp trên trực tiếp.
3. Phân công nhiệm vụ cho từng thành viên Ban chỉ đạo (Tổ chỉ đạo) đại hội điểm. Ban Tổ chức là đơn vị chủ trì phối hợp với các thành viên Ban chỉ đạo (Tổ chỉ đạo) và Ban Thường vụ Hội Nông dân đơn vị được chọn đại hội điểm để chuẩn bị các nội dung, điều kiện tổ chức đại hội.
4. Tổ chức đại hội.
5. Các cấp Hội tổ chức họp rút kinh nghiệm, đánh giá cụ thể những nội dung làm được, chưa làm được trên các mặt (tuyên truyền, khánh tiết; nội dung văn kiện; chuẩn bị nhân sự và công tác bầu cử; công tác hậu cần; chương trình đại hội; cách thức điều hành; lựa chọn phát biểu tham luận; cách thức tổng hợp tham gia vào các văn kiện…; cách khắc phục trong chỉ đạo và thực hiện từng nội dung. Sau họp rút kinh nghiệm có thông báo cụ thể kết quả đại hội điểm của từng cấp và tiếp tục chỉ đạo đại hội của đơn vị mình.
Căn cứ Hướng dẫn, Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố
xây dựng kế hoạch chỉ đạo và tổ chức đại hội điểm phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, đơn vị mình, đảm bảo đúng thời gian, yêu cầu và các quy định của Ban Thường vụ Trung ương Hội. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo với cấp ủy và Ban Thường vụ Trung ương Hội (qua Ban Tổ chức Trung ương Hội) để điều chỉnh bổ sung cho phù hợp.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư TW Đảng (để b/c);
- Ban Tổ chức TW Đảng (để b/c);
- Ban Tuyên giáo TW Đảng (để b/c);
- Ban Dân vận TW Đảng (để b/c);
- Ủy ban KT TW Đảng (để b/c);
- Văn phòng TW Đảng (để p/h);
- Các đ/c ủy viên BCH TW Hội;
- Hội Nông dân các tỉnh, thành phố;
- Các ban, đơn vị TW Hội;
- Lưu VT, BTC. |
T/M BAN THƯỜNG VỤ
CHỦ TỊCH
Đã ký
Lại Xuân Môn |
Ý kiến bạn đọc