Tham dự Hội nghị có các đồng chí: Vũ Thị Hải Hậu – Huyện uỷ viên Chủ tịch Hội Nông dân huyện; Lê Đình Dũng – Huyện uỷ viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện; Nguyễn Duy Hưng – Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cùng các đồng chí lãnh đạo Hội Nông dân huyện, Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện khoá XI; Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn trong toàn huyện, phóng viên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh về dự và đưa tin.
Hội nghị đã được nghe các đồng chí Chủ tịch Hội Nông dân các xã thị trấn trong toàn huyện báo cáo nhanh tình hình thực hiện nhiệm vụ trước, trong và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 ; lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông báo một số chế độ chính sách và tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lộc; Lãnh đạo Hội Nông dân huyện triển khai nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.
Đồng chí Vũ Thị Hải Hậu – Huyện uỷ viên, Chủ tịch Hội Nông dân huyện phát biểu chỉ đạo Hội nghị
Đồng chí Lê Đình Dũng – Huyện uỷ viên, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông báo một số chế độ chính sách và tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện Gia Lộc
Đồng chí Nguyễn Duy Hưng – Phó giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện thông báo một số chế độ chính sách tín dụng của Ngân hàng Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn huyện Gia Lộc
* Một số hình ảnh tại Hội nghị:
Kết thúc Hội nghị, Ban Thường vụ Hội Nông dân huyện tổ chức đoàn công tác gồm Ban lãnh đạo Hội Nông dân huyện, các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Hội Nông dân huyện và Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Nông dân các xã, thị trấn đến thăm và làm việc tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Tiếp đoàn công tác tại Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm có: Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hoàn – Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; Tiến sĩ Đào Xuân Thảng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, nguyên Phó viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm
Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hoàn – Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm trao đổi với đoàn công tác
Tiến sĩ Đào Xuân Thảng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao trao đổi với đoàn công tác
Tại buổi làm việc, đoàn công tác đã được nghe: Phó Giáo sư. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hoàn – Bí thư Đảng bộ, Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm giới thiệu khái quát về Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm; chức năng, nhiệm vụ và tiềm lực khoa học của Viện; Tiến sĩ Đào Xuân Thảng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao giới thiệu một số mô hình, kinh nghiệm Ưng dụng nông nghiệp công nghệ cao tại các nước phát triển và một số mô hình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang triển khai tại Trung tâm và được nhân rộng tại một số địa phương.
Kết thúc buổi làm việc, đoàn công tác được Tiến sĩ Đào Xuân Thảng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao dẫn thăm 02 mô hình nhà lưới giá rẻ gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao đó
là nhà lưới mái bằng và nhà lưới mái vòm đã được thí điểm triển khai và cho kết quả rất hiệu quả tại Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao (địa chỉ xã Liên Hồng huyện Gia Lộc, Hải Dương).
Nhà lưới gắn với sản xuất nông nghiệp công nghệ cao không còn lạ lẫm với nông dân. Tuy nhiên, việc mở rộng hình thức canh tác mới này còn rất hạn chế, mà một trong những trở ngại lớn nhất là giá thành rất cao nên không phải nông dân nào cũng có vốn đầu tư. Trước những khó khăn đó, TS Đào Xuân Thảng đã nghiên cứu, xây dựng và sản xuất thí điểm một số mô hình công nghệ nhà lưới có giá thành rẻ hơn từ 10 - 13 lần so với các lại nhà lưới từ nước ngoài, nhưng vẫn đảm bảo cơ bản các yêu cầu trong chủ động sản xuất, đặc biệt là hệ thống tưới và bón phân tự động.
Tiến sĩ Đào Xuân Thảng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao dẫn đoàn công các thăm mô hình nhà lưới .
Mô hình nhà lưới mái bằng về cơ bản gồm hệ thống khung thép, lưới bao quanh, lưới trần, hệ thống ống dẫn nước tưới và bón phân dạng dung dịch... Toàn bộ lưới sử dụng có độ dày mắt lưới khoảng 60 lỗ/cm2, tuổi thọ khoảng 5 năm.
Do mắt lưới dày nên lưới có tác dụng hạn chế ánh nắng, gió và các tia bức xạ bất lợi, tản mưa thành dạng phun sương mù khi trời mưa... Hệ thống khung thép và lưới có khả năng chống chịu gió bão đến cấp 9, cấp 10.
Tùy vào các loại cây trồng, hệ thống đất canh tác phía trong nhà lưới được tổ chức vun thành các luống - rãnh, phía trên được bao phủ bằng nilon có độ bền cao. Do các rãnh được lót bằng nilon nên có thể duy trì nước ở các rãnh liên tục để giữ độ ẩm và phục vụ tưới thủ công cho cây khi không có nhu cầu vận hành hệ thống tưới tự động.
Dọc theo đỉnh các luống, sẽ được bố trí các túi nilon có độ bền cao, phía trong chứa đất dinh dưỡng theo mật độ nhất định để làm bầu sinh trưởng cho cây trồng. Đất trong các bầu sinh trưởng là đất phù sa có độ phì nhiêu cao được lấy từ các vùng đất phù sa ven sông, đem phơi khô, trước khi trộn thêm các thành phần dinh dưỡng khác để có thể đảm bảo yêu cầu phát triển của cây trồng trong một chu kỳ sinh trưởng. Sau mỗi vụ, đất trong bầu sinh trưởng sẽ được đổ ra phơi khô, pha trộn lại để sử dụng cho vụ sau.
Dọc theo các đỉnh luống, sẽ được bố trí hệ thống dây dẫn nước cao su có lỗ tưới vào từng bầu sinh trưởng. Hệ thống này liên kết với ống dẫn nước chính và nối với bồn nước phía ngoài.
Theo TS Đào Xuân Thảng, hệ thống ống dẫn và ống tưới cao su đều được nhập khẩu từ Israel có độ bền cao. Hệ thống tưới này cho phép người sử dụng điều khiển tưới tự động một cách tiết kiệm nước. Hệ thống tưới cũng đồng thời có chức năng bón phân dưới dạng dung dịch phân bón chuyên dụng đã được pha chế theo yêu cầu cụ thể.
Ở hình thức
nhà lưới mái vòm, về cơ bản được bố trí tương tự nhà lưới mái bằng, tuy nhiên phần mái được làm bằng hệ thống khung thép vòm, toàn bộ hệ thống lưới mái, lưới bao xung quanh được sử dụng loại lưới mắt dày hơn (80 lỗ/cm2), phần mái, ngoài lưới còn có thêm một lớp nilon để hoàn toàn kiểm soát mưa.
Theo TS Thảng, giá thành đầu tư bình quân cho mỗi m2 nhà lưới dạng mái bằng theo hình thức này chỉ khoảng 150 - 200 nghìn đồng/m2, rẻ hơn 10 - 13 lần so với giá thành khoảng 100 USD/m2 của các nhà lưới nhập khẩu khác. Tuy nhiên xét về công dụng, về cơ bản hệ thống nhà lưới này không thua kém so với các nhà lưới nhập khẩu khác từ nước ngoài (như kiểm soát sâu bệnh, kiểm soát gió, mưa, tưới và bón phân tự động, tiết kiệm...).
Với mô hình nhà lưới giá rẻ này, nông dân không cần nhiều vốn vẫn có thể đầu tư để chủ động sản xuất các loại rau màu đa dạng (như dưa chuột, bí, dưa lê, ớt, hoa...) trung bình 3 vụ/năm, lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/sào, và chỉ sau 1 - 2 năm đi vào sản xuất là có thể thu hồi vốn.
Vì vậy, việc thiết kế các loại nhà lưới giá thành rẻ, phù hợp với điều kiện kinh tế cũng như trình độ canh tác của nông dân nước ta là hết sức cần thiết.
* Một số hình ảnh tại Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao:
Trung tâm Nghiên cứu - Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao đang có nhu cầu chuyển giao công nghệ nhà lưới "giá mềm" rộng rãi trong sản xuất. Cá nhân, doanh nghiệp có nhu cầu xin liên hệ: TS Đào Xuân Thảng, Giám đốc Trung tâm. ĐC: Xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương. Liên hệ trực tiếp với TS Đào Xuân Thảng qua số điện thoại 0912026985.
Viết tin và ảnh: Nguyễn Văn Trung – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Gia Lộc
Ảnh: Văn Trung; Phương Nam
Chú ý: Việc đăng lại bài viết trên ở website hoặc các phương tiện truyền thông khác mà không ghi rõ nguồn http://nukeviet.vn là vi phạm bản quyền
Ý kiến bạn đọc